Khi xưa cứ ngỡ vậy là tu - Bây giờ mới mình ngu mình lầm.
"Bỏ tông, về lại chính mình
Bỏ dòng, bỏ phái bỏ Kinh ngôn từ
Ngay đây thấy pháp vốn như
Tuyệt không sở đắc: Vô dư Niết bàn" -- Sư Viên Minh.
Con trích ra câu trên không phải nói con Vô dư niết bàn, mà ý của con là hai câu đầu "Bỏ tông, về lại chính mình
Bỏ dòng, bỏ phái bỏ Kinh ngôn từ...".
Tông phái hay kinh sách không thể giúp chúng ta giác ngộ giải thoát mà chỉ có buông bỏ phóng dật từ bỏ tâm hướng ngoại tầm cầu. Tu tập là trở về trọn vẹn với thân tâm ngay thực tại để thấy ra thực tánh chân đế các pháp.
Bước đầu đến với Đạo do cơ duyên nên chưa được tiếp xúc với những lời dạy chân chánh, những bậc thiện hữu minh sư cộng với vô minh nên ai ai cũng mắt phải những lỗi lầm mà không hay biết.
Khi con kể về câu chuyện của con khi tu theo Tịnh độ tông thì con không dám nói ra nhiều vì "sợ" người ta hành theo những điều đó. Vì Tịnh độ hay bất cứ Tông phái nào khác "hiểu sai là tu sai, hiểu đúng là tu đúng. Do nhiều người họ hiểu sai nên họ tu sai, tu mù, tu cho có phong trào theo người khác chứ họ không biết gì về chân lí Đạo Phật. Tịnh độ hay bất cứ pháp môn nào! nếu ai thật sự liễu pháp thì tu sẽ thành đạo.
Phật dạy: "Hãy nương nhờ chính mình, không nương nhờ ai khác" (Attā hi attano nātho, ko hi nātho parosiyā)
Trên thân này khổ tập khởi khi bị Vô minh (tà kiến, si mê) chi phối; và khổ đoạn diệt khi Minh (Chánh tri kiến) sanh khởi. Sự tu tập chỉ cần nương trên thân tâm để quán chiếu tu tập không cần phải nương cầu vào nơi khác. Nương tựa vào Tam bảo chính là nương tựa vào đức tánh Sáng suốt, định tĩnh và trong lành của Phật Pháp Tăng chứ không phải nương tựa kiểu cầu xin bái sám.
"Đạo Phật là Đạo đến để mà thấy, chớ không phải Đạo đến để nhờ người thấy hộ" (Hòa thượng Thích Minh Châu)
Đến để mà thấy là lời dạy của Đức Phật chứng minh cho chúng ta thấy rằng tu theo Phật là phải có Trí tuệ vì Phật là Giác là thấy. Chúng ta không thể có niềm tin mà quán khi đến với Đạo.
Đức Phật nói do Vô minh do tham ái nên chúng sanh không nhận ra Bốn sự thật nên phải chịu khổ đau luân hồi.
Bốn sự thật đó là:
Khổ đế: Sự thật về khổ -- cần phải thông suốt.
Tập đế: Nguyên nhân dẫn đến khổ (Vô minh tham ái) -- cần phải buông bỏ.
Diệt đế: Thái độ không khổ, không tạo tác -- cần phải chứng đạt.
Đạo đế: Con đường đưa đến Diệt đế. Tức là Bát chánh đạo: Chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh mạng, chánh nghiệp, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định. -- Cần phải Tu tập.
"Ai sống một trăm năm
Không thấy Pháp Sanh Diệt
Không bằng sống một ngày
Thấy được Pháp Sanh Diệt” (Kinh Pháp Cú)
Cho dù chúng ta có sống thọ trăm năm tuổi nhưng chúng ta sống trong Vô minh tà kiến thì đó không bằng chúng ta sống một ngày nhưng chúng ta có Chánh tri kiến tu theo tập Trung đạo bằng pháp hành Tứ niệm xứ thấy ra sự sanh diệt thực tánh các pháp.
Người Vô minh tà kiến càng sống lâu thì càng gây ra nhiều ác nghiệp gây nên quả khổ đau như vậy sống lâu có lợi ích chi. Sống nhiều mê tín dị đoan chỉ khiến người khác đau khổ và bản thân đau khổ chứ không có lợi ích gì! Khi chết đi cũng phải tái sanh trở lại với cảnh khổ đau.
Nhưng đối với người thấy được các pháp sanh diệt thì họ biết buông bỏ không bám víu hay phóng dật. Họ không rơi vào thiện ác vay trả không làm người khác và chính bản thân họ đau khổ. Được như vậy sống một ngày cũng rất đáng vì mang lại an lành cho tự thân và mọi người xung quanh.
"Nếu lấy sắc thấy ta
Lấy âm thanh cầu ta
Người ấy tu đạo tà
Không thể thấy Như Lai" - (Kim cang Bát nhã ba la mật)
Bát nhã tức Trí Tuệ. Tu Phật là dùng trí tuệ để quán chiếu minh sát để thấy ra ngũ uẩn (danh - sắc) chính là vô thường, khổ và vô ngã từ đó không xem nó là tự ngã không bám víu vào nó nữa. Có như thế mới gọi là Giác ngộ giải thoát. Chứ không thấy nương theo sắc tướng âm thanh nương cầu tha lực được.
Đức Phật đã nói với Vakkali rằng: "Ai thấy pháp người đó thấy Như Lai". Thấy pháp tức là thấy được tánh sanh diệt, không thực của các pháp.
Tri tuệ có được do minh sát, minh sát là tự chính mình chứ không ai minh sát giúp mình được, đạo Phật đến để mà thấy chứ không phải đến để nhờ người khác thấy giùm. Có giác ngộ thì mới giải thoát, chứ không giác ngộ mà cầu mong giải thoát thì đó chỉ là ràng buộc, ảo tưởng-huyễn hoặc. Nhưng từ xưa đến này nhiều người, nhiều tôn giáo, tông phái toàn chỉ muốn giải thoát mà không minh sát để giác ngộ, họ cuồng tín vào một đấng toàn năng có thể "tiếp dẫn" họ vào một cõi cực lạc hay thiên đường.
Có một số người, tông phái niệm Phật với ý nghĩ mong cầu Phật cứu độ "tiếp dẫn" về một thế giới nào đó mà thế giới đó không có khổ (cực lạc hay thiên đường).
Đức Phật không thể "tiếp dẫn" chúng ta đi đâu cả. -> *"tha lực".
Đức Phật dạy: “Hãy tự xem con là hải đảo của con, hãy tự xem con là nơi nương tựa của con. Không nên tìm nương tựa nơi ai khác” (Trường Bộ kinh, kinh Đại bát Niết-bàn).
"Ta đi với nghiệp của ta
Dầu cho tốt xấu tạo ra tự mình
Theo ta như bóng theo hình
Nhân nào quả nấy phân minh kết thành" - trích Năm điều quán tưởng.
"Này Thanh niên, các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp phân chia các loài hữu tình; nghĩa là có liệt, có ưu." - 135. Tiểu kinh Nghiệp phân biệt (Cùlakammavibhanga sutta) trong Trung Bộ KinhMajjhima Nikaya.
Phật chỉ là bậc đạo sư chỉ ra cho chúng nguyên lí-chân lí để chúng ta tu hành giác ngộ (thấy) - giải thoát (buông bỏ). -> *"tự lực"
Đức Phật nói rõ: “Các con phải tự mình nỗ lực. Các đấng Như Lai chỉ là đạo sư”
“Người hãy nhiệt tình làm,
Như Lai chỉ thuyết dạy.
Người hành trì thiền định
Thoát trói buộc Ác ma.” - (Kinh Pháp cú, kệ 276).
Ở trên con đánh dấu *"tự lực" - *"tha lực" để cho chúng dễ hiểu, chứ thực ra chẳng có "tự lực" - "tha lực" gì cả. Hãy nhớ "Vô ngã".
Phật không thể độ ai cả. Phật chỉ khai thị cho cho chúng ta nếu nói độ thì sự khai thị chính là độ. Còn độ theo kiểu ban phước hay tiếp dẫn vãng sanh vào một thế giới khác thì không thể nào, đó là một sự lừa gạt của Ma tăng. Niệm Phật nói chung là để tâm được nhất niệm, nhờ nhất niệm tâm không tán loạn theo tạp niệm vọng thức, không tạp vọng thì tâm được trong sáng, trí tuệ chiếu soi, thấy rõ thực tánh của tất cả các pháp, không còn bị mê muội đắm chìm trong phiền não khổ đau, luân hồi sinh tử do bản ngã vô minh tạo tác. Đó là giác. Giác là Phật, nhờ giác ngộ (Phật) mà giải thoát (độ) nên gọi là Phật độ. Chúng ta nên hiểu như vậy.
Giả tưởng, quí vị có được "tiếp dẫn" sanh vào một thế giới có vô lượng Phật, bồ tát ngoại cảnh nơi đó vô cùng huyền diệu như trong Phim Trung Quốc nhưng nội tâm quí còn tham, sân, si, trạo hối, hoài nghi... Thân quí vị còn làm nhiều điều bất chánh thì đó là địa ngục chứ không phải cực lạc hay thiên đường.
Có câu: Tự tánh di đà, duy tâm tịnh độ (có nghĩa là "Di đà là tánh giác, tự tâm là cõi tịnh").
Vậy quí vị hãy thấy như thế này: "Tịnh độ" là sự thanh tịnh "bất sanh" của nội tâm. "A-di-đà" là tánh biết, bản tâm sáng suốt hay Phật tánh thấy rõ tất cả các pháp, nội tâm thanh tịnh.
Phật A-di-đà là biểu tượng cho tánh giác thanh tịnh, chính nhờ niệm Phật mà khai mở được tánh giác thanh tịnh bị che lấp bởi tạp niệm vọng thức, mà giải thoát ra khỏi luân hồi sinh tử. Như vậy, nói là A-di-đà độ, chứ thực ra là tánh giác thanh tịnh tự độ mà thôi. Dù chúng ta niệm Phật hay không niệm Phật theo pháp môn nào, thì cũng phải nhờ tánh giác thanh tịnh nơi chính mình mới có thể giác ngộ giải thoát. Các Tông phái dù sai biệt vẫn có chung một cốt lõi giác ngộ giải thoát này. Có hiểu như vậy thì quí vị niệm "nam mô cục đá - nam mô cục đất..." cũng như niệm "A-di-đà" thôi. Hạnh của đất cũng xứng đáng cho chúng ta nương theo.
Tham khảo: ÂN ĐỨC PHẬT
Niệm cả 9 Ân Đức Phật, vừa niệm đến Ân Đức nào thì quán tưởng về ý nghĩa của Ân Đức ấy.
- Arahaṃ (Ứng Cúng): Diệt tận vô minh phiền não, chấm dứt luân hồi sinh tử, hoàn toàn thanh tịnh vô nhiễm, xứng đáng lễ bái cúng dường.
- Sammā Sambuddho: (Chánh Biến Tri): Giác ngộ suốt thông thể - tướng - dụng của tục đế và Thánh đế.
- Vijjācarana Sampanno (Minh Hạnh Túc): Bát Minh (tam minh - ngũ thông) và tất cả Đức Hạnh viên mãn.
- Sugato (Thiện Thệ): Đi đến Niết-bàn không trở lại (luân hồi).
- Lokavidū (Thế Gian Giải): Thông suốt tánh, tướng và hướng đi của chúng sanh trong tam giới và xuất ly tam giới.
- Anuttaro Purisadamma Sārathi (Vô Thượng Sĩ Điều Ngự Trượng Phu): Bậc vô thượng giáo hóa người, trời, quỉ, thần khó giáo hóa.
- Satthā Deva-manussānaṃ (Thiên Nhân Sư): Bậc thầy giáo hóa đem lại an lạc giải thoát cho chư thiên và loài người.
- Buddho (Phật): Bậc tự mình giác ngộ và chỉ bày con đường giác ngộ cho chúng sinh một cách viên mãn.
- Bhagavā (Thế Tôn): Bậc an lạc tự tại, trên thế gian không ai sánh bằng. -- trích từ cuốn sách Pháp Môn Niệm Phật của Thiền sư Hộ Pháp, NXB Thành Phố Hồ Chí Minh, 2002.
Lại nữa, nên lưu ý điều này khi quí vị niệm Phật là niệm Ân đức Thanh Tịnh, Sáng Suốt của Phật với tâm không bị ngoại duyên chi phối thì tâm an nhiên tự tại, vui buồn mừng giận không còn chi phối nữa, con nói dễ hiểu hơn là không niệm Phật với tâm tham (tham phước, tham được sanh cõi lành...), không niệm Phật với sân (chán ghét Cõi Ta bà "Samsara", không thích tâm bất an, chán ghét khổ), không niệm Phật với tam si (không thấy được khổ là thật, không biết Ta bà gì? không biết sự thật về khổ, nguyên nhân đưa đến khổ, không biết con đường hay nguyên lý sống không có khổ-tham dục chi phối, nói chung không hiểu biết vế Tứ đế là si là Vô minh) < "niệm Phật đạt đến nhất tâm bất loạn".
Quí vị còn khởi tâm muốn tạo tác để đạt được "nhất tâm bất loạn" thì làm sao nhất tâm bất loạn được? Theo con thấy, chỉ cần tâm thanh tịnh "bất sanh" như con nói ở trên thì ngay đó đã là Tịnh Độ.
Chứ "ai" muốn đạt nhất tâm bất loạn để làm gì nữa? "ai" muốn? cái "ai" muốn chính là có cái Ngã trong đó rồi.
Niệm ân đức hay danh hiệu Phật là pháp môn phương tiện có lợi ích lớn dành cho người căn cơ đức tin. Nếu niềm tin của quí vị đúng đắn (Chánh tín-Chánh tri kiến) thì niệm mới đúng hướng, đó là hướng tâm thanh tịnh, khi tâm thanh tịnh thì trí tuệ liền trong sáng. Tịnh Độ tượng trưng cho Tâm Thanh Tịnh, Phật Adiđà tượng trưng cho trí tuệ trong sáng, như trên đã nói "Tự tánh Di-đà, duy tâm tịnh độ".
Còn nếu niệm Phật mà tâm không thanh tịnh thì dù có cõi Tịnh Độ cũng chẳng bao giờ đến được. Nếu quí vị niệm Phật mà trí tuệ không sáng suốt thì dù có Phật A-di-đà cũng không thể nào tiếp dẫn được. Niệm Phật luôn đi kèm với hành động (thân), nói năng (khẩu), suy nghĩ (ý) thanh tịnh trong sáng như vậy mới gọi là niệm Phật - Bát chánh, còn quí nào nào niệm Phật với tâm vọng cầu thì dù quí vị tinh tấn đến đâu cũng chỉ nô lệ cho lòng tham-Bát tà đạo, làm sao trở về với bản tâm thanh tịnh trong sáng được!
Bài chia sẻ này con có trích dẫn những câu Phật ngôn để quý vị tự tư duy minh sát, không thêm thắt nhiều tư kiến của bản thân nên mong quý vị hoan hỉ khi đọc.
(Bài trích dẫn)
Thiện Đăng Hưng Thuận Tự
Tháng 8/2017
Đăng lần đầu tại Blog Cư sĩ Phật hội
Namo Tassa Bhagavato Arahato SammāsambuddhassaNam Mô Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật