Đây là Ngài Hòa thượng Viên Minh, viện chủ Tổ đình Bửu Long tại Sài Gòn. Tôi thích gọi Ngài là Sư Ông, tôi rất yêu quý Ngài. Ngài có một cách chia sẻ giáo lý rất đơn giản nhưng lại giúp cho hành giả tự giải đáp được của chính bản thân mình. Sự đơn giản đó chính là chân lý, càng phức tạp thì càng xa rời chân lý.
Thiền sư Viên Minh |
Một năm trước, tôi có hỏi Sư Ông rằng: "Lúc trước con có xuất gia theo Nam Tông nhưng con đã hoàn tục vì nhiều lý do một trong những lý do đó là con không thích tụng kinh Pāḷi, tụng kinh Pāḷi con không hiểu gì hết con không muốn điều đó... Con có thể học giáo lý và hành thiền nhưng con không thể học được kinh Pāli. Con rất thích tu theo Nam Truyền nhưng con không thể nhập gia tuỳ tục với việc tụng kinh Pāḷi. Con phải làm sao đây Sư Ông." Khi ấy tôi nhận được câu trả lời tuy ngắn gọn nhưng hoàn toàn giúp tôi giải tỏa được sự âu lo, Sư Ông nói: "Con nên tu theo Phật, theo Pháp, theo Tăng thôi chứ không nên theo Tông phái nào cả. Tông phái nào cũng có những quy định ràng buộc, còn tu theo Phật, Pháp, Tăng thì chỉ cần trở về sống với hành động, nói năng, suy nghĩ sáng suốt (theo Phật), định tĩnh (theo Pháp) và trong lành (theo Tăng) chứ không cần tu theo ai cả. Như vậy sẽ mau giác ngộ giải thoát hơn". Đúng như Sư Ông tôi quá lúng túng khi cố chạy theo hoàn cảnh bên ngoài mà quên quay trở lại chính chính mình như Đức Thế Tôn và Sư Ông đã dạy, khi trở lại chính mình tôi cảm thấy nhẹ nhàng và tự trả lời được những câu hỏi của riêng bản thân mình.
Hôm nay, sau vài tháng âm thầm xuất gia gia gieo duyên tôi đã hoàn tục. Trong vài tháng đó tôi đã được sống trọn vẹn với căn bệnh - nhưng cơn đau bụng chóng mặt thường xuyên. Tôi đã có một tháng chỉ ở trong phòng không sinh hoạt chung với các bạn đồng tu. Nhớ lại lời dạy trên của Sư Ông và tình trạng sức khỏe - hoàn cảnh của bản thân tôi quyết định trở lại đời sống của một cư sĩ một cách trọn vẹn nhất có thể. Xin lỗi các em, các Cô vì tôi đã dấu việc tôi xuất gia gieo duyên và xin lỗi hai Sư, con không báo trước với Sư khi con hoàn tục. Con cảm ơn Sự giúp đỡ của Sư đến con. Chính nhờ sự trải nghiệm này tôi biết tôi nên đứng ở vị trí nào! Dù biết không có vị trí nào là dễ dàng đứng vững cả nhưng không sao vì đã có Tam bảo cho tôi nương tựa. Tôi không nói sâu vào chuyện xuất gia nữa, tôi nói ra chỉ để thay cho những tin nhắn tôi không trả lời để mọi người biết vậy thôi, sau này có cách xưng hô cho hợp lý.
Tôi viết bài này chủ yếu là để nêu ra vài câu vấn - đáp giữa tôi và Sư Ông Viên Minh nhằm chia sẻ đến mọi người. Kính mời quý vị cùng đọc, để hiếu được vài điều cơ bản của giáo pháp khi bắt đầu bước vào con đường tu học và thực hành giáo pháp.
🙇 Câu hỏi: Bạch Sư Ông. «không có cái ngã ác pháp thì có cái ngã thiện pháp» đó là chuyện đương nhiên phải không thưa Sư Ông? Điều quan trọng là mình giữ tâm rỗng lặng không chấp cái ngã nào cả dù đó là ngã thiện pháp phải không ạ? Tại con thấy nhiều vị họ nói "Tôi có cái ngã nhưng là ngã thiện, thì đâu có sao". Nói Vô ngã mà họ chấp như vậy nên con hơi khó hiểu. Con cảm ơn Sư Ông.
❤ Trả lời: Con thấy đúng. Khi chưa giác ngộ vô ngã thì ngã thiện cũng tốt, nhưng chấp vào ngã thiện thì vẫn còn chấp ngã.
🙇 Câu hỏi: Sư Ông ơi! Cho con xin hỏi Tất cả mọi thứ không phải của ta, dù là Niết-bàn cũng không phải của ta. Vậy ta là gì? Có ta không? Theo con hiểu hiện tại thì không có ta. Ta chỉ là tên gọi để phân biệt. Ta là sự chấp trước, dính mắc và ước muốn. Ta là ảo tưởng không thật phải không thưa Sư Ông. Vì ĐẠO là vô ngã! Vô ngã nên không có ta phải không thưa Sư Ông? Con chưa hiểu rõ điều này. Mong Sư Ông chỉ con thấy rõ. Con cảm ơn Sư Ông.
❤ Trả lời: Con nói theo nghĩa chân đế thì đúng, nhưng trong trường hợp này đức Phật dạy theo nghĩa tục đế. Nghĩa đời thường như nhà của tôi, xe của tôi, thân của tôi v.v... "Của tôi" này chỉ là đại từ chỉ sở hữu thôi chứ không phải bản ngã.
🙇 Câu hỏi: Con xin trích một đoạn của một bạn vừa hỏi Sư Ông.
["... Mà sao con có nghe thầy nói nếu mình xen cái ta vào trong đó thì không tuỳ duyên thuận pháp, đâu có ta nào mà thầy nói cái ta xen vào..."] - phần trích.
"Cái ta xen vào" có phải là "cái ta ảo tưởng" Sư Ông thường nói không? Nó không có thật nhưng lại tạo ra sự chấp trước, dính mắc, vọng cầu, đau khổ v.v... đó mới là ngũ uẩn. Như vậy chính "cái ta ảo tưởng" tạo ra ngũ uẩn, đâu phải vạn pháp tạo ra ngũ uẩn, phải không thưa Sư Ông?
Con chỉ có ý kiến bấy nhiêu đó thôi.
❤ Trả lời: Chính xác. Điều này cần thấy ra chứ không lý luận mà thấy được.
🙇 Câu hỏi: Kính thưa Sư Ông cho con xin hỏi Tự tánh là gì? Con chưa biết. Nhìn vào Tự tánh là như thế nào? Có phải giống như là Thiền Tứ niệm xứ nhìn vào tự tánh là quan sát thân, thọ, tâm, pháp không? Tự tánh cũng vô ngã phải không Sư Ông? Con cảm ơn Sư Ông.
❤ Trả lời: Phải con. Tự tánh là tánh tự có như nó là chứ không phải tướng do tưởng là, cho là, phải là, sẽ là...
🙇 Câu hỏi: Dạ. Thưa Sư Ông cho con được hỏi thêm, con từng là người tu theo pháp niệm Phật nhưng hiện tại con không phải là hành giả chuyên về niệm Phật, nhưng con có suy nghĩ niệm Phật nhất tâm bất loạn có phải giống như việc đắc định trong thiền chỉ (Samatha) không Sư Ông? Tuy hành giả có được tâm Định nhưng không có sinh Tuệ nên không thể dẫn đến nhận ra chân đế vô thường, khổ, vô ngã nên không thể chấm dứt sự tái sanh, vẫn còn trong tam giới vì định trong niệm Phật và định trong thiền chỉ Samatha khác với định trong thiền quán Vipassanā.
Tại vì con thấy cách tu của thiền chỉ và niệm Phật giống như chúng ta lấy đá đè nén không cho cỏ phát triển nhưng đến khi chúng ta lấy tảng đá ra thì cỏ vẫn mọc và phát triển bình thường vì ta chưa có diệt tận gốc rễ. Hôm qua con hỏi nhìn vào Tự tánh có giống như việc tu Thiền quán hay không, Sư Ông nói phải đúng không ạ? Con đọc được Ngài Bodhidharma (Bồ-đề Đạt-ma) có nói rằng: "Nếu không nhìn vào tự tánh thì niệm Phật cũng chẳng ích gì" và một câu nữa của ai nói con không biết là "Tự tánh di-đà, duy tâm tịnh độ", giống như một câu nói trong kinh Vakkali "Ai thấy pháp, người đó thấy Như lai, vì thấy pháp tức là thấy Như lai, thấy Như lai tức là thấy pháp" và con cũng nhớ rằng Đức Phật có nói: "pháp là thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu” (Kinh Tăng chi bộ).
Vậy đọc vài câu này con có ý nghĩ rằng tu hành cái quan trọng nhất là cái thấy, mà muốn có cái thấy đúng đắn thì phải có Tuệ - Tuệ nhãn mà thiền chỉ và niệm Phật không thể dẫn đến việc phát sanh Tuệ nên cũng giống như Ngài Bồ-đề-đạt-ma nói: "Nếu không nhìn vào tự tánh thì niệm Phật cũng chẳng ích gì" nghĩa là nếu không tu thiền Tứ niệm xứ thì niệm Phật cũng chẳng ích gì vì Tự tánh là thân, thọ, tâm pháp trong câu Tự tánh di-đà nên niệm A-di-đà là phải hành Tứ niệm xứ mới đúng như lời Ngài Bồ-đề-đạt-ma nói như vậy mới có Tuệ.
Cho nên con nhận ra như sau:
- Thiền Tông (Phật giáo Phát triển) lấy sự thấy Tự tánh để làm nhân hạnh tu tập, sau đó có kết quả là giác ngộ thành Phật.
- Thiền Phật giáo nguyên thủy cũng lấy Tứ niệm xứ (Tự tánh) làm nhân hạnh tu tập và quả là sự giác ngộ như bên Thiền tông. Mà con có đọc được một bài dịch là Thiền tông cũng có thể một nhánh của Phật giáo nguyên thủy.
- Pháp niệm Phật nếu muốn tu đúng có nhân để giác ngộ và giải thoát thì cũng phải nhìn vào Tự tánh (Tứ niệm xứ) giống như Ngài Bồ-đề-đạt-ma nói.
Như Sư Ông từng nói Giác ngộ là yếu tố quyết định cho sự Giải thoát mà thường người ta chỉ muốn giải thoát chứ ít ai nghĩ đến giác ngộ. Nếu chỉ tin và cầu xin một đấng nào đó để được cứu rỗi để giải thoát thì đó là điều không thể vì không có đủ tín, tấn, niệm, định, tuệ trong pháp tu của họ.
Cả 3 Thiền tông, niệm Phật của Tịnh độ và Phật giáo nguyên thủy tu đúng chánh pháp Phật dạy thì điều phải có Tứ niệm xứ trong đó. Con nghĩ đó là đúng. Vì Đức Phật dạy lấy Giới làm thầy và không nương tựa một điều gì khác ngoài việc hành Tứ niệm xứ đó là chúng ta tự thắp đuốc lên mà đi.
Ban đầu con chỉ muốn hỏi Sư Ông nhất tâm bất loạn trong niệm Phật có giống như đắc định trong thiền chỉ hay không, nhưng tự nhiên con có hý luận suông ra nhiều quá. Nghĩ lại không biết nên gởi cho Sư Ông hay không nữa. Con sợ nhận được câu trả lời "Tự con chiêm nghiệm mà đưa ra lời giải đáp cho mình nhé"! Đúng là những điều trên đây phần nhiều là do con luận ra chứ hành thì thực sự chưa bao nhiêu, có tự mình chiêm nghiệm mới biết đúng hay sai. Con viết ra là do thắc mắc thôi, mong Sư Ông hoan hỷ. Chúc Sư Ông vui và khỏe.
❤ Trả lời: Dù lý luận nhưng con nói đúng. Niệm Phật, trì chú, tham thiền gì đi nữa thì cũng phải thấy ra thực tánh chân đế, nếu không thì tất cả chỉ là vọng tưởng.
Đến đây tôi xin tạm dừng. Hy vọng sẽ giúp được những vị có những thắc mắc như trên.
Ước nguyện tất cả an vui, Sức khỏe và trí tuệ.
Cập nhật:
Đối với một người theo Phật giáo Theravāda, đặc biệt là người tu sĩ thì việc học và biết pāḷi là một điều quan trọng và cần thiết đối với pháp học, nên con khuyên mọi người nếu có điều kiện thì nên học pāḷi, chứ đừng lười và có ý nghĩ như con lúc trước. Khi xưa vì con còn ảnh hưởng bởi tư tưởng của những trường hợp phái tu tập khác nên con xem nhẹ pāḷi, nhưng bây giờ con thấy pāḷi rất quan trọng trong pháp học. Nếu đủ duyên xuất gia lần nữa thì con sẽ cố gắng học pāḷi, dù biết rằng rất khó nhưng cứ xem như gieo duyên để có cơ hội đọc chánh tạng và chú giải bằng tiếng pali, một năm không được thì mười năm...đời này không được thì đời sau, quan trọng là phải nương tựa nơi Tam Bảo, ước nguyện đời đời nếu còn sanh tử thì mong gặp lại Phật Pháp. Và quan trọng nhất là đừng quên thực hành Tứ Niệm Xứ ngay bây giờ và tại đây.