Sống hết mình với hiện tại là gì?

 

Sống hết mình với hiện tại là gì?

- HẾT MÌNH -

Sống hết mình với hiện tại là gì?

Trọn vẹn với hiện tại là gì?


Có phải là chơi tới bến không? 

Dốc hết 100% năng lượng cho giây phút này vì "ngày mai có thể không bao giờ đến"?


Có phải là mua ngay món đồ yêu thích với giá cả một tháng lương?

Gặp người có rung động là lao vào nhau tới bến 100% chỉ trong vài lần đầu gặp?

Nhậu quắc cần câu mặc kệ ngày mai có cuộc gặp đối tác công việc quan trọng?

Chìu mọi sở thích của con cái, của cha mẹ để thể hiện tình yêu thương với người thân của mình?

v.v...


À, còn câu này nữa "Đến cuối đời người ta thường hối hận vì những gì chưa làm, chứ không phải hối hận vì những gì đã làm".


Đó là những lời khuyên phổ biến mà chúng ta thường nghe thấy, tác dụng của chúng là để khuyến khích mọi người bớt sống hời hợt hơn với những gì diễn ra trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng liệu ta có thể vì những lời khuyên có vẻ hay ho đó mà nhắm mắt nhắm mũi áp dụng chúng cho mọi tình huống cuộc sống? Hay đã đến lúc chúng ta cần ngồi lại mổ xẻ chúng cho đa chiều, để chúng ta thôi làm con rối sống một cách vô thức bị dẫn dắt bởi những ngôn ngữ câu từ ở bên ngoài?


Với mình, thì có đôi lần thử "hết mình cho hiện tại" ở một số trường hợp rồi. Và thường là, qua những lần "hết mình" đó, khi nhìn lại mình chỉ thấy hối hận vì những gì đã làm chứ không phải vì những gì không làm.


Có những tình huống cuộc sống xảy đến chỉ là cảm xúc nhất thời. Mà chúng ta vội vàng hành động ngay tức khắc thì đó là sự bốc đồng, nông nổi, bị cảm xúc chi phối, bị bên ngoài thao túng... Nói đúng hơn, nó là khoảnh khắc mà một người đánh mất bản thân!


Sống hết mình với hiện tại cần năng lực. Đó là năng lực Bình Tâm và Thấu Hiểu bản thân. Đó là hết mình với sự chân thật ở bên trong chính mình, chứ không phải hết mình với những thứ ở bên ngoài. 


Nó cần lòng can đảm để vượt lên nỗi sợ hãi. Nhưng chả phải thứ can đảm vượt qua thử thách của người khác đặt ra nhằm thể hiện bản thân không sợ hãi; mà là can đảm đi theo tiếng nói ở bên trong và mặc kệ mọi thứ bên ngoài đang thách thức, khiêu khích, gọi mời.


Nó là bản lĩnh của một cái Tâm Tĩnh. Nhạy cảm nhưng không dễ dàng Động trước những sự vật hiện tượng con người bên ngoài. Thấy nó là nó, thấy mình là mình, thấy trong trạng thái cân bằng, và rồi mới hành động. Khi hành động trong tâm thế cân bằng, thì lúc ấy, bản thân mới không bị vướng mắc, ít khi hối hận vì những gì trót làm.


Trẻ con chẳng cần năng lực Tĩnh Tâm mà vẫn sống trong hiện tại, vì chúng chân thật với bản thân chúng và chúng không bị dính mắc. Người lớn thì hay dính mắc, và lại bị "tạp nhiễm" quá nhiều thứ niềm tin quan niệm tư tưởng từ bên ngoài cài cắm vào... nên người lớn cần dành thời gian để mà "quay về" nhớ lại những gì đã lãng quên.


* Nhưng ngộ nhỡ đã suy nghĩ kĩ lắm rồi mà vẫn hành động gây ra hậu quả thì sao? Nhỡ bản thân cảm thấy hối hận thì sao?


- Nếu gây hậu quả thì tập trung mà giải quyết hậu quả. Giải quyết tốt nhất tại thời điểm này, với tình trạng trước mắt này, với năng lực hiện có của mình... Chứ không phải kêu ca về quá khứ rồi bỏ mặc mọi sự hay trốn tránh trách nhiệm. 


Một kẻ sống hết mình mà không có trách nhiệm là một kẻ bê tha. Thường hay than vãn trách móc người xung quanh không ai hiểu không ai yêu quý mình nhưng bản thân lại toàn chỉ muốn gom vào, không hề muốn đóng góp tài lực hay tạo ra giá trị gì cho ai cả. Đây như những đứa trẻ mới lớn được nạp vào đầu tinh thần "tự do", nhưng lại thiếu trách nhiệm không biết ơn với những đặc ân được nhận. Với người kiểu này, những gì họ Có cần phải bị cuộc sống tước đi tất cả, thì họ mới có thể thức tỉnh và trưởng thành, học cách gánh lấy trách nhiệm vào bản thân và với xung quanh.


- Nếu cảm thấy hối hận với hành động ở quá khứ mình đã từng làm, thì cứ nhìn vào nó để mà rút ra bài học, và rồi tha thứ cho bản thân liền tức khắc.

 

Chúng ta không trách mình trong quá khứ đã từng không biết cầm muỗng ăn cơm, không trách mình trong quá khứ từng giành đồ chơi với bạn, thậm chí một bài viết và lời nói thốt ra từ hôm qua chúng ta vẫn có thể xem nó chẳng hề liên quan gì đến ngày hôm nay của mình cả. Bởi chúng ta ngày hôm nay đã khác hôm qua rồi. 

Quá khứ là quá trình để tạo ra ta tinh túy ngày hôm nay, và ngày hôm nay ta cần tập trung sống tốt cho hiện tại này, bồi đắp nuôi dưỡng cho tương lai sáng tươi phía trước.


Để sống trọn vẹn hết mình với hiện tại một cách đúng đắn, thì mỗi người cần song hành nhận thức sâu sắc về Vô Thường. 


Nếu khoảnh khắc này là duy nhất và không còn tồn tại nữa thì bạn có sẵn sàng trọn vẹn với nó và đánh đổi những gì đang có với khoảnh khắc này không? Bởi thứ mà bạn đang trọn vẹn đây cũng chỉ là cảm xúc nhất thời và khi nó qua đi rồi bạn sẽ quay về trạng thái cũ, cuộc sống cũ và những gì quen thuộc cũ. Nó sẽ không lâng lâng mãi và nó sẽ không mang lại cho bạn sự tuyệt vời mãi mãi về lâu dài. Đó chính là vẻ đẹp của Vô Thường, và cũng là sự tàn khốc của Vô Thường.


Vô Thường làm cho một khoảnh khắc trở nên sâu sắc giá trị nhất, nhưng cũng làm cho một khoảnh khắc trở nên phai tàn vô nghĩa nhất! 


Đôi khi, hành trình cũng đã là sự trọn vẹn, chứ không nhất thiết phải đạt đến một kết quả cụ thể thì mới là trọn vẹn.


- Cái cây vừa mới lớn ta không thể ép nó ra hoa kết trái để xem đó là trọn vẹn, chính quá trình từ tốn sinh trưởng đúng với độ tuổi phát triển của nó mới là trọn vẹn. 

- Một mối quan hệ mới bắt đầu thì chỉ nên tương tác ở mức độ vừa phải của nó như chính cảm nhận của người trong cuộc, chứ vội vã đẩy nhanh tiến trình thì cũng chỉ là "vú ép" mà thôi. Cái gì mà vội vã chạy nước rút để nhanh đến kết quả, ắt dễ dẫn đến nhanh hư.

- Trẻ con cho chúng thoải mái vui chơi và phát triển theo nhu cầu lẫn mức độ nhận thức của chúng, tốt hơn là cứ bắt ép chúng học nhanh biết nhiều những kiến thức kĩ năng của đời sống. 

- Phụ nữ lớn tuổi thì không nhất thiết tiếc nuối thanh xuân tuổi trẻ, hay so sánh hiện tại của mình với phụ nữ trẻ khác. Cứ tận hưởng từng giai đoạn của cuộc đời mình một cách ung dung.

v.v...


Trọn vẹn với hiện tại cũng có nghĩa là thảnh thơi với từng bước đi cơ bản phù hợp với từng giai đoạn, từng hành trình, nương theo tiếng nói cảm nhận ở tự thân. 

Trọn vẹn không nhất thiết cứ phải chơi tới bến, khiên cưỡng cố làm một việc trong thúc bách lo lắng, nhanh chóng vươn đến kiệt cùng điểm cuối của một kết quả tự đặt ra. 


Khi sự trọn vẹn diễn ra đúng với mức độ đang-là của chính nó, thì cuộc sống của một người sẽ chảy trôi ôn hòa vừa vặn, nhẹ nhàng nhưng bền bỉ, nhỏ nhoi mà sâu sắc, đi đến tận cùng mà chẳng hao tổn tâm lực... Ấy mới thật sự là cái làm trong tâm thế buông xả, làm mọi sự như không làm. Không có gì để mà hối hận, mà nuối tiếc, mà thở dài...


☸ Chuyện thực sự muốn hay không muốn, chưa chắc sẽ xảy ra theo ý mình. Cho nên dù muốn dù không cũng không còn quan trọng nữa. Nếu hiện tại gặp phải vấn đề gì, bản thân có thể làm được thì sẽ làm, thích hay không thích, muốn hay không muốn cũng không quan trọng nữa. Vì những cái thực sự muốn cũng giống cái mình không muốn, đều phải dựa theo nhân quả nghiệp báo của bản thân mà thành. Tác ý không đủ hoặc các điều kiện chưa hội tụ đủ thì thích hay không, muốn hay không cũng không thành tựu.

Chia sẻ:

Thạch Thuận Hòa


Tự biết mình là một sự khám phá thú vị hơn bất kỳ kiếm tìm nào khác. Không hiểu biết chính mình thì dù kiến thức có rộng đến đâu cũng vô ích thôi, huống chi bỏ phí thời gian đuổi theo những vọng tưởng để rồi tuyệt vọng.