Không tựa... Viết tại Chùa Nam Tông


Bản thân tôi khá ít nói và tôi thỉnh thoảng sẽ viết khi có tâm sự. Trong thời gian xuất gia 3 tháng vừa qua — đây là lần thứ hai tôi xuất gia, tôi cũng có dành chút ít thời gian để viết ra vài điều tôi suy nghĩ, những điều tôi được nghe, được đọc. 

Viết ra những suy tưởng và được nghe qua chỉ để mà tự mình đọc lại chứ không dạy ai cả, tất cả đều mang tính chất tự răn nhắc bản thân và chia sẻ với người có duyên. Viết lại để sau này xem lại dòng thời gian của chính bản thân từ đó thấy ra những điều hợp hay không hợp từ đó có cái nhìn và thái độ đúng đắn hơn.

Học vấn không cao, vốn từ không phong phú, văn phong không trau chuốt nên sẽ không có gì hấp dẫn. Tất cả chỉ là nghĩ ra sao, nhớ thế nào và viết như thế. Không nên quá chấp, cứ xem như cơn gió tư tưởng bay ngang qua vậy!

Ước nguyện
Hiện tại tôi không phải là tu sĩ nữa nhưng tôi đã ước nguyện dù là cư sĩ hay tu sĩ thì tôi vẫn vững tin vào Tam bảo thực hiện lời dạy của Đức Phật trong khả năng có thể.

Tất cả nội dung ở đây chỉ là tư tưởng trôi qua dòng thời gian không đáng để bận tâm. 


Dòng thời gian 2018 


Ngày 07/5/2018 - 22:09

Tăng bảo là biểu hiện của sự thanh tịnh, sự hòa hợp và trí tuệ. Không thanh tịnh và không hòa hợp thì không xứng đáng được gọi là Tăng bảo. Tội phá sự hòa hợp Tăng đoàn là một trong những tội nặng nhất. Sāmaṇera (Sa-di) chưa được xếp vào hàng Tăng bảo; Sāmaṇera chỉ là tập sự để tu tiến đến phạm hạnh Bhikkhu. Sāmaṇera phải biết thận trọng trong lời nói, hành động và cả ý nghĩ không được xúc phạm đến những vị Bhikkhu cho dù họ có phạm sai lầm điều gì; không được xem mình ngang hàng với những Vị Bhikkhu.
Trường hợp vị Bhikkhu hoặc Vị Thầy tế độ (Sư cả/trụ trì) có những hành động và nhận thức không đúng đắn, trái lại với chánh đạo thì chúng ta chỉ có thể khuyên Vị ấy trở về với chánh kiến, chánh đạo; phải giải thích cho Vị ấy hiểu rõ việc làm đó là không đúng đắn sẽ mang lại quả bất thiện, bị nhiều người chỉ trích và tránh xa. Nếu chúng ta không hội đủ cơ duyên để khuyên Vị ấy thì tốt nhất nên im lặng và nhìn lại chính mình chứ không nên xúc phạm, chỉ trích Vị đó.
Đừng để những sự sai lầm của người khác khiến nội tâm sân si phiền não!.


Tôi viết điều này khi chứng kiến các vị Bhikkhu và Sa-di trong chùa có thái độ không tôn trọng vị Trụ trì. Vị trụ trì hay vị Sư cao hạ hơn dù có làm điều gì không hợp đạo thì bản thân chúng ta không nên tỏa thái độ bất kính, xúc phạm. Đừng để tâm sân si chỉ vì sự sai lầm của người khác. Tất cả hãy để nhân quả vận hành!


Ngày 05/5 - 12:30

Chúng ta thấy cái gì đó và khởi tâm tham, khi đó không còn lựa chọn nữa. Vì chúng ta không có Chánh niệm, tức chúng ta phóng dật, sống theo bản năng.

Chúng ta nghe điều gì đó và khởi buồn bực, khi đó cũng không có lựa chọn. Vì chúng để bản ngã chen vào đánh mất sự Vô ngã của các pháp.

Nhưng khi nhìn được tâm mình, chúng ta sẽ có quyền lựa chọn. Tức là có Chánh niệm.  Không tham lam, không buồn bực; chúng ta được tự do. Khi Chánh niệm xuất hiện thì không có phóng dật, tức không có bản ngã chen vào.

Đó quả là một sự tự do vô cùng lớn. Vô ngã chính là tự do. Chỉ có bắt đầu thực tập Tứ niệm xứ mới giúp chúng ta nhận ra điều này.

Chép lại điều đã nghe. 

*

Ngày 03/5 - 20:45

Đừng quá mong cầu người khác phải hiểu mình; mà hãy kiên trì thực hiện những điều mình hiểu.

*

Ngày 02/5 - 22:00

Kom kit chraenpek (Đừng suy nghĩ nhiều quá!)

Sanh - già - bệnh - chết là chuyện đương nhiên. Chỉ là tiến trình sanh và diệt của năm uẩn (sắc - thọ - tưởng - hành - thức). Khi gặp bệnh - già hay những việc trắc trở là cơ hội rất tốt để minh sát để thấy biết chúng là không chắc chắn - Aniccā, chúng không phải là ta - chúng không thuộc quyền sở hữu hay điều khiển của ta  - Anattā và biết rằng nếu quá chấp vào chúng thì ta sẽ khổ - Dukkha.

Biết vậy thì phải trở về soi sáng lại chính mình trong hoàn cảnh mình đang sống và không bám víu vào bất cứ điều gì trên đời. Phải sống tử tế, trầm lặng, không làm và không nói những điều vô ích, tránh bàn chuyện đời, chỉ cố gắng thực tập điều cần thiết, giữ tâm bình thản để minh sát thân - thọ - tâm - Vipassanā

Trải nghiệm và chiêm nghiệm cuộc sống một cách chân thành và nghiêm túc thì sẽ thấy ra sự thật. Chỉ vậy thôi!. Có thực hiện như thế thì chúng ta mới được hưởng hạnh phúc, an lạc, thiết thực hiện tại và ngay trong đời này (Sanditthiko akàliko), có thể thấy biết được như thật các pháp (ehipassiko).

Tâm mình có an hay không chỉ cần một mình ta biết, không cần người khác phải công nhận vì nếu còn bận tâm đến ý nghĩ của người khác thì lúc đó tâm đã động rồi!.

*

Ngày 28/4 - 22:49

TÔI SẼ CHẾT

Hãy tâm niệm rằng: "Tôi sẽ chết; mọi người xung quanh rồi sẽ chết". Niệm sự chết là một trong đề mục tu tập do Đức Phật chỉ dạy, khi niệm sự chết không phải là ta bi quan, sầu khổ hay cứ lo lắng sợ hãi rằng tôi sẽ chết rồi cảm thấy chán cuộc đời này không muốn làm gì cả, không phải vậy. Chúng ta phải hiểu rằng: "Tất cả chúng sinh đều có sự chết là điều chắc chắn. Ba Mẹ, Anh Chị Em, bạn bè, Vợ chồng... điều sẽ chết. Tất cả chúng sinh đã từng chết trải qua vô số kiếp trong thời quá khứ, đang chết trong thời hiện tại, và sẽ chết trong thời vị lai, chính ta cũng vậy, ta cũng đã từng chết trải qua vô số kiếp trong thời quá khứ, rồi ta cũng sẽ chết trong thời vị lai, đó là điều chắc chắn, không thể nào trốn tránh khỏi sự chết được, bởi vì khi mỗi kiếp đã sinh ra, rồi đến sự chết là cuối cùng của mỗi kiếp. Vạn pháp do duyên sanh duyên diệt vạn pháp diệt". Khi chúng ta hiểu cơ bản như vậy thì chúng ta phải sống sao cho nó thật ý nghĩa.

Chúng ta phải bỏ qua những giận hờn, hơn thua, danh lợi, keo kiệt... Chúng ta không làm, không nói và không tư duy những thứ vô ích. Chúng ta không được làm điều ác, tránh xa điều bất thiện. Chúng ta phải thận trọng trong lời nói hành động. Chúng ta phải tích cực làm việc lành lợi ích cho mình cho người. Chúng ta phải xác định những điều cần làm hướng đến giác ngộ giải thoát. Chúng ta phải dùng thời gian vào việc khiến tâm an lạc và trí tuệ phát sanh. Chúng ta không nên theo đuổi những thứ vô ích và hẹn điều lợi để làm sao vì chúng ta có thể chết bất cứ lúc nào. Đó là điều cơ bản chúng ta phải tư duy và thực hiện, mọi người phải tự triển khai ra mà thực hiện chứ tôi không nói ra hết được ở đây.

Về bản thân tôi cho dù xuất gia hay tại gia, tôi sẽ tập trung một khoảng thời gian cần thiết vào nguyên cứu một số bài kinh quan trọng trong tạng kinh Pāḷi, tham khảo qua tạng luật và sẽ bắt đầu tìm hiểu về tạng thắng pháp trong phạm vi cần thiết cho riêng bản thân tôi. Song song đó tôi sẽ nghiên cứu về Samatha và Vipassanā nhằm tìm ra nguyên lý phù hợp với căn cơ của tôi để thực tập.

Tôi không cần những thứ mang tính màu mè chỉ mang tính chất minh họa. Quan trọng là tâm như thế nào. Những thứ bên ngoài không quyết định được tất cả.

Con đường cao thượng nhất là Bát chánh đạo. Pháp hành cao thượng nhất chính là Tứ niệm xứ. Có thể những điều tôi làm và tôi suy nghĩ sẽ không giống với mọi người xung quanh tôi. Nhưng giải thoát chỉ có pháp hành này, con đường này. Không có con đường nào khác.

Phải biết mình nên ở vị trí nào. Mình có xứng đáng với vị trí hiện hay không. Mình có lỗi với ai hay không. Đây là những điều tôi luôn tâm niệm.

Sự trả ân thiết thực nhất là tự thân giữ giới, tự thân học và hiểu giáo lý, tự thân hành thiền và quan trọng là tự thân cảm nhận được hương vị giáo pháp, hương vị giải thoát trong từng hành động từng hành vi. Chứ không phải là sự lễ nghi, khấn nguyện, tụng niệm suông.

Nhân duyên quả công bằng.

Thấy người khác làm phước tôi rất hoan hỉ, nhưng khi tôi nhìn vào nội bộ thì ... ? Xứng đáng hay chưa?.

Hãy nhớ, chết có thể đến với chúng ta bất cứ lúc nào. Hãy làm điều cần - thiết nhất có thể! 

Tôi viết lại điều này — những điều tôi được học khi tôi mang thân bệnh. Tôi đã có một tháng chỉ ở trong phòng không sinh hoạt chung với Tăng đoàn. Và cũng có thể giai đoạn này cũng là lúc tôi rơi vào trầm cảm nặng. 

*

Ngày 26/4 - 17:48

Vị Bhikkhu phải thật chánh niệm khi tiếp xúc với tất cả mọi người, phải đối xử bình đẳng, không thiên vị hay đối xử tệ bạc với bất kỳ ai. Phải đối xử với sự trân trọng đúng mức và cùng với sự khiêm tốn. Đó chính là phạm hạnh vị Bhikkhu cần phải có!

*

Ngày 26/4 - 17:27

Khi có ai đó có ý muốn tôi hứa hẹn một điều gì đó thì tôi chỉ Im lặng rồi mỉm cười hoặc tôi chỉ nói: "Không chắc chắn đâu, đừng hy vọng ở tôi quá nhiều" vì khi hy vọng thật nhiều đến lúc không như ý thì chắc chắn sẽ rất khổ đau. Tôi không bao giờ thề thốt. Nếu tôi không thích điều gì, tôi sẽ chấm dứt nó. Nếu tôi thích, tôi sẽ tiếp tục và làm thật tốt điều ấy trong mức có thể.

Mọi thứ đối với tôi đều là sự trải nghiệm. Dù thành công hay thất bại điều giúp tôi học ra bài học quý giá, đó là hiểu hơn về chính bản thân mình và biết trân trọng hơn mọi thứ xung quanh cho nên sự khen ngợi hay chê trách của mọi người chẳng có gì là quá quan trọng đối với tôi, nếu trong tôi có điều sai trái thì tự tôi điều chính, Còn khi trong tôi có sự đúng đắn thì tôi tăng Trương điều đó. Trân trọng không có nghĩa là sự ràng buộc, cố chấp hay bám víu mà quan sát nó diễn ra một cách tự nhiên, tôi chỉ âm thầm quan sát và thấy được tam tướng Anattā, Aniccā, Dukkha của nó.

Cưỡng cầu, ức chế và không biết khả năng của mình nên ở vị trí nào thì không bao giờ thanh thản. Tôi không cố gắng thực hiện thứ tôi chưa muốn để làm vừa lòng ai cả. Tất cả đến với nhau chỉ là duyên; có duyên sanh tức có duyên diệt; buồn rầu hay hạnh phúc điều là một bài học nếu ta người biết quan tâm, ý là biết chánh niệm.

Hạnh phúc chưa chắc tốt, Đau khổ chưa chắc xấu. Cả hai thứ ngược lại, Tất cả đều do tâm.

Hãy cứ thuận theo tự nhiên. Chúng ta và tự nhiên không có gì khác, chúng ta chính là một phần của tự nhiên. Hãy hiểu tự nhiên ở đây chính là Dhamma (chân đế) chứ không phải là pháp chế định của chúng ta.


*


Ngày 24/4 - 17:08

- Hãy chọn cho ta một lý tưởng sống, tuy có thể nó không hoàn toàn thánh thiện hay toàn thiện nhưng phải chắc chắn rằng lý tưởng sống đó mang lại cho ta một cuộc sống không làm khổ mình và tránh đi sự làm khổ người hay chúng sanh khác.

- Còn sống thì cứ hy vọng và từng bước thực hiện, có thể chậm nhưng phải chắc chắn rằng phải đi đúng đường nếu đi sai đường thì đích đến cũng không bao giờ đúng. Đừng quá để ý hay so sánh ta với người khác, bởi vì mọi người điều có sự nhận biết, sự trãi nghiệm và những bài học giác ngộ khác nhau.

- Còn sức khỏe và còn đi đứng được thì cứ đi: đi đến những nơi cần đến, đi đến những nơi giúp ta học được những điều có ích, đừng lãng phí thời gian của cuộc đời đi đến những nơi khiến ta không cảm thấy thanh thản, và không học được bài học gì có ích cho sự giác ngộ giải thoát.

- Giàu nghèo về vật chất chỉ khiến ta khổ hoặc vui trong một kiếp nhưng sự thanh thản nội tâm hay những việc làm thiện có thể giúp ta hạnh phúc trong đời này và giàu sang trong kiếp sống sau.

- Tuổi thọ có thể ngắn nhưng sự hiểu biết của ta phải dài và rộng nhưng phải đảm bảo rằng sự hiểu biết ấy giúp ta có cuộc sống an lành, giúp ta hướng đến những điều thiện lành, tránh hiểu biết quá nhiều về những thứ gọi là "tào lao". Thà sống an lành và sáng suốt trong một ngày còn hơn sống đau khổ và si mê trong một trăm năm.

- Đừng chạy theo hình tướng, chức phẩm, danh tiếng mà là ngay trong nếp sống hằng ngày ta phải có phạm hạnh, giới đức. Khi có phạm hạnh, giới đức thì hình tướng, chức phẩm hay danh tiếng là điều không cần thiết. Ví dụ: Bạn là Upasaka hay Upasika (cận sự nam nữ) thì bạn nên giữ đúng cái giới hạnh đó (5 giới hay bát quan trai và 10 điều thiện) xong rồi bạn mới tiến đến xuất gia Sa-di, trong khi xuất gia Sadi bạn phải học - hiểu và hành hoàn thành đầy đủ giới hạnh (10 giới chính: trong thời này về phần tiền bạc chúng ta có thể giữ để dùng vào việc chánh đáng nhưng tuyệt đối không tham đắm hay bám víu, khoe khoang; và các giới phụ khác; tìm hiểu về Giới - định - tuệ xem ta có đủ nỗ lực để phát nguyện thực hiện trọn đời không?) hay phải nắm vững trách nhiệm của Sadi (thực tập phương pháp tu tập theo Bát chánh đạo hay nguyên lý Tứ niệm xứ) rồi mới tiếng đến thọ Bhikkhu (tập trung hoàn toàn vào đạo lộ tu tập đúng đắn theo Bát chánh đạo hay Tứ niệm xứ). Đừng chạy theo tuổi tác, đừng quan trọng danh tiếng, chức quyền, đừng bị thời gian hay xã hội chi phối mà hãy xem ta có phù hợp - xứng đáng - đầy đủ phạm hạnh - có trách nhiệm và xứng đáng vị trí hiện tại hay chưa? Ta phải có khát khao thực hiện ba thượng phần giới - định - tuệ. Đừng xem nhẹ việc này nếu ta xuất gia Ba-la-mật hướng đến giác ngộ giải thoát, nếu không thực hiện được thì ta trở lại thực hiện cái gạch đầu dòng đầu tiên. Còn việc xuất gia gieo duyên hay xuất gia theo truyền thống dân tộc thì chưa bàn ở đây.

*


Ngày 22/4 - 10:30


ĐỐI DIỆN VỚI CÁI CHẾT

        Trong kinh Đức Phật ngài dạy người Phật tử phải luôn luôn tâm niệm như thế này, nếu chúng ta:
- Có làm phước, tích lũy công đức.
- Có công đức do sự tu tập; hành thiền, nhẫn nhục, phục vụ, cung kính.
- Có niềm tin nơi tam bảo: Phật, Pháp, chư Thánh Tăng.
- Có trì giới, bớt làm điều ác, tránh xa những điều bất thiện.
- Ta có bố thí, bớt gian tham.
- Ta có trí tuệ, bớt si mê, bớt tà kiến.

          Nếu bây giờ ta có chết thì cũng giống như ta bỏ cái thân đất nước gió lửa đầy khổ đau bệnh tật này ra đi để đổi lấy cái thân khác bằng vàng bằng ngọc khỏe mạnh sạch sẽ hơn. Nghĩa là nếu chúng ta có phước đức tu tập như trên thì ta chết rồi sẽ được tái sanh cõi lành không chịu khổ đau nhiều như hiện tại. Cứ yên tâm, đừng sợ chết và gia đình cũng đừng quá lo lắng sầu khổ. Luôn luôn nhớ cái chết không phải là kết thúc nó còn là điểm bắt đầu cho hành trình mới, hành trình này bắt đầu từ vô thuỷ do Tham ái và vô minh chi phối. Cái chết của một kẻ phàm phu chỉ là sự bắt đầu của một kiếp sống mới để dung bồi tội hoặc phước tuỳ vào nghiệp báo. Mà bây giờ bệnh tật sắp chết ta lại sợ hãi không muốn chết, chẳng lẽ chúng ta muốn mang thân bệnh này mãi hay sao?

 Chúng ta có hành thiện tu tâm bây giờ ta có ra đi thì ta cũng đủ hành trang có cái mới xài, nghĩa là phước đức đã làm giúp ta yên tâm mà chết, yên tâm mà bắt đầu một cuộc hành trình mới. Cái thân cũ này vừa đau đớn hôi hám, chúng ta phải nghĩ như vậy mới an lòng tu tập, an lòng đối diện với cái chết. Đây là cách nói của Đức Phật cho người hạ căn ít phước, ít trí.  Tại vì từ xưa đến bây giờ chúng ta kỳ vọng vào cái thân này nhiều quá, nên bây giờ nó không thuận ý nên mình chịu không nỗi... Vì quá mê đời không chịu lường trước những điều bất trắc. Chúng ta ai ai cũng vậy, điều mắt một chứng bệnh đó là "tiểu đường tâm lý" nghĩa thường sống trong những ý niệm hay ho vui vẻ. Cho nên khi gặp đắng cay chịu không nỗi.

Còn đối với người thượng căn Đức Phật nói khác Ngài dạy rằng: 5 Uẩn này nó như thế nào? Sắc - thọ - tưởng - hành - thức chỉ có:
- Khổ và Lạc.
- Thiện hay Ác.
 Thì cũng đều là Anattā (vô ngã), Aniccā (vô thường). Từng giây phút có mặt thì chỉ là đáng chán thế gian để mà ra sức tu tập. Nếu vậy thì cái chết có gì để ta sợ. Chuyện bệnh tật, nằm yên liệt giường liệt chiếu có gì để ta ngán. Nó chỉ là 5 Uẩn. Nó là cơ hội cho chúng ta phát huy sự tuệ quán. Là cơ hội không phải ai cũng có. Tất nhiên điều này không phải là nói suông là được, nó là cả một hành trì tuệ quán nên mới có thể nghĩ như vậy và sống đúng như vậy.

  NGƯỜI CHẾT NHẬN ĐƯỢC GÌ?

 Nếu là Phật tử chân chánh thì chúng ta phải nằm rõ điều này.  Hai yếu tố có thể trợ duyên cho người chết đó là tâm lực và phước lực:
- Tâm lực là lòng thành của người hồi hướng. Tâm lực là sức phát từ nội tâm một cách thành thật chứ không phải kiểu đạo đức giả làm vẻ bề ngoài rầm rộ cố ý cho người ta thấy.
- Cái thứ hai là Phước lực, cái lực này nó phát sinh do bố thí cúng dường, nghiêm trì giới luật, giữ tâm thanh tịnh, cung kính, khiêm nhường, phục vụ, nghe pháp, chia sẻ pháp, hoan hỷ phước người khác làm, điều chỉnh nhận thức, bớt tham sân si, có lòng từ-bi-hỷ-xả.
      Vì thế vào ngày tang hay các ngày giỗ chúng ta muốn người quá cố nhận được điều tốt lành thì hãy hạn chế hoặc tuyệt đối không sát sanh hại vật, nên giữ tròn năm giới của người tại gia và thực hành thiền định hoặc thiền tuệ với tâm lực và phước lực đó, chúng ta có hồi hướng cho người chết. Làm như thế thì chúng ta có rất nhiều phước báo và sự an lành ngay trong khi thực hiện.
     
      Người chết sau khi vừa tắt thở vài sát na thì đã thái sanh thành một dạng chúng sanh tuỳ theo nghiệp báo của họ. Vì thế, sự hồi hướng này chính là hướng đến một dạng chúng sanh chứ không phải linh hồn hay vong linh (Đức Phật nói rằng không có linh hồn, không có một cái ngã nào tồn tại bất di bất dịch). Người Khmer có tục rước Ông bà (những người đã chết) nên hiểu điều này.

Nên nhớ tụng kinh là tụng cho người sống nghe (Người có thức uẩn hoặc tưởng uẩn...), tụng nghe phải hiểu (hiểu về Khổ, vô thường, vô ngã và cách tu tập giải thoát khỏi phiền não, tránh xa việc ác, xuyên làm điều thiện), nghe không hiểu thì không có lợi ích gì cả (có khi còn mang tính trình diễn đậm chất mê tín, cầu xin vô bổ). Người tụng kinh phải có lòng thành và giới luật, giới hạnh trọn vẹn thì khi tụng mới có uy lực. Đừng tụng những bài kinh mà quý vị không hiểu ý nghĩa, nó chẳng có lợi ích gì cả.

Giữa nghe tụng kinh hoặc tự tụng và thực hiện theo lời Phật dạy thì thực hành theo lời Phật dạy là thiết thực nhất, nên làm nhất. Đừng quá chấp vào việc tụng kinh. Và cũng đừng tin có một cõi Tây phương cực lạc hay A di đà có thể cứu độ người chết, điều này không phải của Đạo Phật. 
Hãy nhớ ĐẠO PHẬT ĐỘ SANH KHÔNG ĐỘ TỬ. Nghĩa là chỉ độ được những người và chư thiên còn sống, giúp họ giác ngộ giải thoát bằng chính sự tự lực tu hành của họ.

 Nên loại bỏ việc đốt giấy tiền vàng mã. Nó chẳng có lợi ích, chỉ có hại: ô nhiễm môi trường, tác nhân gây bệnh, tốn kém tiền bạc, bị người có trí chê cười.

Hãy nhớ ai ăn nấy no, ai tu nấy biết.

Nhắc đến ăn mới nhớ, chúng ta nên tập thoái quen không sát sanh khi chế biến món ăn dâng đến các Sư. Nếu có thể thì hãy mua đồ đã sơ chế sẵn (những vật không có mạng căn) hoặc dâng thực phẩm chay đến chư tăng. Đừng sát sanh hại vật chỉ vì muốn dâng thực phẩm đến Chư tăng, làm như vậy thì cả người dâng và người nhận điều mang tội.

 HY vọng điều này sẽ nhắc nhở đến những người cần biết. Đây là điều tôi học và biết theo quan điểm Phật giáo nguyên thủy Thēravāda. Với việc làm này ước nguyện tất cả điều được sẽ tấn hóa, bình an.  Ước nguyện gia đình hiểu được những lời Phật dạy sống thiện tránh xa điều ác. Ước nguyện những ai có tâm ranh ghét, bất mãn về tôi thoát được sự khổ tâm ấy.

Tôi ghi lại điều này khi trong tháng tôi đã chứng kiến và dự nhiều lễ tang. Nhiều người không biết giáo lý nên họ chỉ thực hiện tang lễ theo tập tục tín ngưỡng một cách máy móc chứ thật ra họ không biết được thế nào là nghiệp báu - nhân quả mà có sự thực tập đúng đắn để hồi hướng.

*

Ngày 23/4 - 11:28

Tại gia hoặc xuất gia có sự tu tập khác nhau nhưng không thể nằm ngoài GIỚI - ĐỊNH - TUỆ (Bát chánh đạo).

Việc làm gì nằm ngoài GIỚI - ĐỊNH  - TUỆ thì đó chính là những điều không đúng đắn, là tà đạo, mê tín. Việc tu tập là trở về thấu hiểu chính mình, không hướng ngoại tầm cầu. Muốn biết một người có tu tập đúng pháp hay không thì hãy lấy Bát chánh đạo đối chiếu.

- Giới: chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng.

- Định: chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.

- Tuệ: chánh kiến, chánh tư duy.

Tất cả là những thành tố tâm lý khiến tam nghiệp trong sạch một cách vô ngã.

Dù tài giỏi thông minh như thế nào, dù có chức vị như thế nào trong xã hội, dù có thật nhiều bằng cấp, dù am hiểu thật nhiều ngôn ngữ chữ viết nhưng không có tu tập đúng theo lộ trình Bát chánh đạo thì chẳng có nghĩa lý gì đối với việc tu tập giác ngộ giải thoát, khi thân tâm vẫn còn nguyên vẹn những điều bất thiện vì chẳng thể thâm nhập giáo pháp và tận hưởng hướng vị của giáo pháp.

Hãy phân biệt thật rõ giữ Buddha Sāsana và truyền thống dân tộc để đi đúng con đường mình chọn.

Đạo - đời song hành nghe thì rất hay nhưng không khéo những tín ngưỡng của dân tộc sẽ khiến con đường đạo pháp Buddha Sāsana không ra gì cả.

 Thôi kệ!  Không phải lúc nào cũng dùng từ này được. Vì nhiều lúc "thôi kệ" thì khiến mình tấn hóa hơn trong việc thanh lọc nội tâm và cũng nhiều lúc "thôi kệ" sẽ khiến nội tâm ngày càng trở nên ô nhiễm.

Đừng đi sai hướng. Hãy đặt tâm đúng hướng.

Sẽ không bao giờ thanh thản khi đặt tâm sai hướng.

Sự bất mãn hay tham đắm, sự ức chế, bị ràng buộc, khó chịu, không tinh tấn là những điều không tránh khỏi khi đặt tâm sai hướng.

Muốn thành công trong việc duy trì thực tập chánh pháp, tiếp bước trong con đường Buddha Sāsana thì nhất định phải phải buông bỏ những thứ cần buông bỏ, tiếp cận những điều cần tiếp cận, tu tập những điều cần tu tập có như vậy mới có thể chứng đạt những thứ cần chứng đạt.

Tôi sẽ dừng lại khi không đi đúng con đường mình mong muốn và cần phải đi.

Đi không đúng đường thì đích đến không bao giờ chính xác, cho dù nó có tốt đẹp như thế nào đi nữa!

Đúng là mỗi người điều có nghiệp riêng. Nhưng nghiệp ấy là hành động của thân miệng ý trong quá khứ hoặc hiện tại chứ không phải định mệnh hay sự sắp đặt của một đấng nào cả.

Mỗi người có một sự lựa chọn. Có những bài học giác ngộ phải tự mình hóa giải. Có những hương vị phải tự mình nếm thử.

Khả năng giao tiếp tốt thì chỉ cần luyện tập thì sẽ thực hiện được. Còn khả năng giác ngộ giải thoát thì phải có đạo lộ tu tập đúng đắn chứ không phải chỉ cần những kiến thức suông như hiện tại là đủ.

Cảm thọ: Sự đau khổ hay niềm hạnh phúc đóng một vai trò quan trọng trong việc phấn đấu tiến đến giác ngộ. Không bám víu hay trốn tránh bất cứ bên nào!

Có một điều phải công nhận rằng:
- Có khổ đau mới có sự quyết tâm thực tập thấu hiểu và đoạn diệt khổ đau ấy.
- Còn khi quá an phận với niềm vui hay lợi dưỡng thì rất khó để có được sự quyết tâm tu tập thoát khỏi khổ đau ngủ ngầm.

PHẢI BỎ QUA NHỮNG LỜI NÓI CỦA NGƯỜI KHÁC, KHI MÀ NHỮNG LỜI NÓI ẤY KHIẾN NỘI TÂM KHÔNG THANH THẢN.

Hãy xem lại thái độ và hành vi của mình nó có xứng đáng với vị trí hiện tại hay không?.


*

Ngày 21/4 - 22:17

NGAY HIỆN TẠI ĐỪNG RỜI KHỎI NGÔI NHÀ NÀY

Vị Tỳ Khưu không nên đi khỏi trú xứ của mình là Bốn Niệm Xứ (thân thọ tâm pháp), không nên đến cảnh giới của người khác là hưởng thụ dục lạc của 5 giác quan. Đức Phật dạy: “Đây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn. Ðó là Tứ Niệm xứ". Nơi nào có người hành trì Tứ niệm xứ nơi đó có Sa môn đệ tử Đức Phật; nơi ấy có sự Từ bi, thương yêu tha thứ, vô ngã vị tha. Nơi nào không có hành trì Tứ niệm xứ nơi ấy không có Sa môn đệ tử Đức Phật; nơi ấy chỉ có sự tham đắm, tranh quyền, sân hận, si mê...vv.

Xuất gia là một điều khó.
Xuất gia nơi trú xứ thích hợp là một điều khó.
Tiếp cận được và hành trì giáo pháp là một điều khó.
Xem lại tâm xem thế nào?.
Không có hành trì Tứ niệm xứ thì xuất gia không thể nào đem lại hương vị giải thoát.

Nơi tôi xuất không bao giờ được giảng dạy hay tu tập Thiền dù là Vipassanā hay Samatha nên tôi đã viết bài này với khao khát được sống trong một trú xứ thích hợp có minh sư thiện hữu để tu tập Tuệ quán.

*

Ngày 20/4 - 22:18

Chia sẻ lại...

Phật dạy mình tránh ngồi ghê cao sang đẹp vì ngài muốn mình giảm đi lòng tham muốn, tự cao. Một người có phạm hạnh thì chỗ nào ngồi cũng là chỗ cao thượng. Còn một người không có phạm hạnh thì ngồi chỗ nào cũng như là con khỉ ngồi trong bàn tiệc.

Ăn càng nhiều thì càng thấy mệt. Phật dạy ăn ngày một buổi bởi vì ngài muốn Phật tử dành nhiều thời gian cho thức ăn tinh thần.

Phật dạy không được xem nghe ca múa nhạc kịch là vì Phật muốn chúng ta nên quay trở lại với niềm vui nội tâm.

Phật dạy không nên dùng nước hoa dầu thơm và các loại mỹ phẩm là vì muốn mình hướng đến nét đẹp thanh khiết nơi nội tâm.

Phật dạy mình né giường cao chiếu rộng chăn êm nệm ấm là bởi vì Phật muốn cho mình thấy rằng ngồi ở đâu cũng là cao sang nếu sang từ trong tâm hồn.

Phật dạy mình nên thành thật với chính bản thân mình trước. Bởi vì có thể nhiều người khen ngợi mình bởi vì họ không thấy những lỗi lầm của mình, thế nên thành thật với chính bản thân mình. Xem mình có xứng đáng với niềm tin của người khác hay không? Xem giới hạnh, pháp hành của mình có tròn đủ hay chưa?.

HÃY XEM MÌNH CÓ THẬT SỰ XỨNG ĐÁNG VỚI VỊ TRÍ HIỆN TẠI HAY KHÔNG?

*

Ngày 19/4 - 17:53

Trả lời câu hỏi Bạn muốn giấc mơ nào trở thành sự thật?

- Gia đình đều quy y Tam bảo và hộ trì năm giới.

- Tránh xa những điều mê tín, cầu xin vô ích.

- Ước nguyện gia đình và bản thân hiểu thế nào là xuất gia vì truyền thống dân tộc, thế nào là xuất gia gieo duyên và thế nào là xuất gia Ba-la-mật.

- Ước nguyện gia đình hiểu thế nào là sự quan tâm, thế nào là bận tâm, thế nào là lo lắng vô ích chỉ tạo ra khổ đau.

- Ước nguyện bản thân tôi thoát khỏi chứng trầm cảm, gặp được bậc thầy có giới hạnh và kinh nghiệm về pháp hành thiền tuệ.

- Ước nguyện gia đình tôi tuệ tri được sự khổ thân là Anattā, Aniccā.

- Ước nguyện gia đình tôi thoát khỏi sự khổ tâm bằng pháp hành thiền tuệ.

- Nếu còn luân hồi trong kiếp sống thì ước nguyện rằng: Tôi và gia đình có đủ duyên tiếp cận giáo pháp chân chánh và hành trì giáo pháp ấy.

- Ước nguyện tất cả chúng sanh thoát khỏi vô minh bằng sự thực tập giáo pháp (Buddha Sāsana).

Ước nguyện khác nhau hoàn toàn với sự cầu xin.

MUỐN ƯỚC NGUYỆN MỘT ĐIỀU GÌ TRỞ THÀNH HIỆN THỰC THÌ CHÍNH BẢN THÂN NGƯỜI ƯỚC NGUYỆN PHẢI "VĂN - TƯ - TU" GIÁO PHÁP BUDDHA SĀSANA.

*

Ngày 17/4/2018 - 14:27


Ngoài đời, không có tiền thì khó sống. (Về vật chất thì tiền hợp pháp là quan trọng bậc nhất).
Không biết an phận thì sống khổ. (Ai có tinh thần sống ít muốn biết đủ thì người đó bớt khổ, người giàu có thật sự là người biết bằng lòng với những gì mình đang có với sự sở hữu đúng đắn).

Trong đạo, tiền nhiều quá thì khó sống. (Phóng dật, dễ ngươi, buông thả theo ham muốn thì như chết rồi).
An phận quá thì sẽ khổ. (Không có sự nỗ lực hướng đến sự yểm ly, ly tham thì cuộc đời cứ mãi khổ mà thôi).

Giá trị một người không y cứ vào bằng cấp mà là trí tuệ và đạo đức.
Trí tuệ không phải do học vấn mà có.
Trí tuệ có được từ sự trải nghiêm. 
Đạo đức không phải là một kĩ năng. 
Đạo đức là một thái độ và hành vi đúng đắn.
Không thể đánh giá chính xác một người qua vẻ bề ngoài nhưng những hành động từ thân, miệng và ý của họ có thể quyết định họ là người như thế nào!

*

Ngày 16/4 - 24:36

Mục đích của việc từ bỏ gia đình xuất gia là gì?

Tu hành là gì?

Thế nào lộ trình tu tập?

Tu hành như thế nào để chấm dứt các kiết sử?

Tu hành như thế nào để không thiếu nợ đàn na tín thí?

Tu hành như thế nào mà không bị nói là trùng trong lông sư tử hay lừa chính gốc nhưng cứ tưởng là bò thứ thiệt?

Cái quả dự lưu - Sa môn bất biến (đạo quả thấp nhất của bốn hạng Sa môn) thời bây giờ có ai chứng đắt được hay không? Lý do?

Bốn đạo, bốn quả và một Niết bàn. Thử hỏi có đi đúng đạo hay chưa?
Có đi theo con đường đạo quả hay không?

Thân bệnh không quan trọng vì hiểu nghiệp báo nhân quả.

Nhưng phiền não nội tâm làm sao mà đoạn diệt? Tụng kinh có hết không? Giữ giới có hết không? Hay chỉ hết khi thực hành thiền tuệ Vipassanā?

Thế nào là tự nương tựa chính mình? Thế nào tự lấy mình làm hòn đảo? Thế nào là không nương tựa bất cứ thứ gì trên đời? Thế nào là tĩnh giác, chánh niệm, nhiệt tâm, tinh cần quán thân trên thân, quán thọ trên các thọ, quán tâm trên tâm, quán pháp trên pháp?

Thế nào là không bám víu, không chấp trước bất cứ thứ gì trên đời?

Thử hỏi cho đi tu để trả nghiệp, chuyển nghiệp, chấm dứt nghiệp hay đi tu để tạo nghiệp sanh tử?

Thử hỏi đi tu mà không đủ điều kiện tu tập đúng bài bản theo lộ trình Bát chánh đạo thì có nên đi tu hay không?

Tôi có bị bệnh hoang tưởng hay không? Giờ này gần khuya rồi mà vẫn ngửi thấy mùi MÌ GÓI nấu chín.

Một người giữ vịt mà không nắm rõ số lượng vịt của mình, không biết vịt của mình có những loại nào, số lượng bao nhiêu thì thử hỏi làm thế nào để đảm bảo họ làm tốt công việc giữ vịt mà không bị mất mát. Việc giữ giới cũng vậy, phải biết giới, phải biết luật. Còn nếu biết rồi mà vẫn phạm thì hết sài, đuổi việc là vừa.

Giới không trọn vẹn thì có tư cách gì truyền giới cho người khác? 

Đi tu trả hiếu? Tu đúng hay không?

 Người ngu si, kém trí có tu được hay không? Vẫn được, nhưng phải bỏ qua cành lá mà tiến sâu vào cốt lõi, đó đó thiền. Vì cái chết có thể đến lúc nào. Nếu không thiền mà chỉ lo tụng niệm cầu nguyện quỳ lạy thì sẽ ra sao đây?

Trả hiếu không có nghĩa là làm cho Ba Mẹ vui lòng hay thuận theo ý Ba Mẹ. Vì cái Ba Mẹ hiểu đó là tinh thần dân tộc chứ không phải tinh thần đạo pháp Buddha. 

Trả hiếu đúng pháp nhất là hướng Ba Mẹ đi đúng con đường thiện, tránh xa việc ác và bất thiện pháp.

Là giúp cho Ba Mẹ tìm hiểu và hành trì các pháp giúp yên tâm tĩnh trí, thanh lọc nội tâm.

 Là thiết phục Ba Mẹ phải hiểu rõ điều nguy hại khi không giữ được năm giới. Đó là bị đọa vào các cõi khổ, cực kỳ khổ.

Là thiết phục Ba Mẹ giữ giới cư sĩ trọn vẹn.

Là khuyên cho Ba Mẹ thực hiện mười điều lành.

Là giúp Ba Mẹ tránh xa, loại bỏ những tín ngưỡng mê tín.

Là hướng Ba Mẹ phải nương theo Phật Pháp Tăng. Từ bỏ việc thờ cúng những nhân vật không có thật, cầu xin vô ích.

Là ước nguyện Ba Mẹ và mọi người hiểu được ý nguyện của mình. Có như vậy họ mới thương yêu và tha thứ khi mình đưa ra quyết định không hợp theo ý của họ.

Phải hiểu ra cái gì tục đế, cái gì chân đế.

Phải biết tất cả chỉ là Aniccā, Anattā và Dukkha qua sự thiền tập, TUỆ TRỊ. Chứ không phải tụng suông theo kinh điển NHƯ MỘT CON VẸT CỰC KỲ THÔNG MINH TRÍ TỐT.

Sau này, có thể con sẽ có quyết định khiến Ba Mẹ và mọi người buồn phiền nhưng hãy nhớ rằng con làm bất cứ cái gì thì cũng nghĩ đến nhân quả nghiệp báo.

Ba Mẹ và mọi người có thể thất vọng, phàn nàn nhưng hãy nghĩ đến nhân quả duyên nghiệp. Mỗi người điều có một bài học giác ngộ khác nhau. Sự giải thoát thì chỉ có tự mình chứng ngộ.

Con sẽ không dùng cả đời học những thứ không mang đến sự giác ngộ giải thoát, có thể nó giúp ích cho dân tộc nhưng ANATTĀ. BUÔNG BỎ. Nếu đi tu thì chỉ cần biết những gì cần biết, tu tập những điều cần tu tập, chứng đắt những gì cần chứng đắt. Nếu đi tu thì luôn nhớ rằng: Tu là chấm dứt tất cả chừ không phải gieo nhân sanh tử, dù là nhân lành cũng không bám víu vì còn bám víu vào bất cứ điều gì là mãi mãi còn sanh tử luân hồi không dứt.

Nếu không xuất gia được thì thôi. Không đủ duyên sống đúng phạm hạnh bậc xuất gia thì nên chấp nhận đời sống cư sĩ tầm thường giữ năm giới dù có nghèo khó cơ cực nhưng ăn là do mình làm vì thế không thiếu nợ. Chứ xuất gia mà tu không tới nơi tới chốn thì đảm bảo những kiếp sau làm trâu bò, làm osin trả nợ cho thiên hạ. 

Biết bao nhiêu vị Tỷ kheo hoàn tục nhưng thử hỏi khoảng thời gian tu học đó họ giữ lại được gì? Chỉ xem vào năm giới mà suy xét.

Ở đây chỉ nói tinh thần đạo pháp hướng đến cơ hội được tu tập đúng đắn nhất đặng giác ngộ giải thoát. Còn tinh thần dân tộc, tinh thần gieo nhân sanh tử luân hồi thì miễn bàn.

Không sợ mất lòng.
Trung ngôn nghịch nhĩ.
Lời thật mất lòng.
Nghĩ sao viết vậy.
Giận hờn thì tự tạo ác nghiệp.

????????????

Bài viết cũ. Nay sẵn tiện ghép vào đây.

Xin hỏi quý vị, đi tu vì điều gì?. Thế nào là phạm hạnh Sa môn?, một vị Bhikkhu đúng nghĩa. Thế nào là bậc xứng đáng gọi là Tăng bảo khiến mọi người tự nguyện nương tựa? Đó là những câu hỏi của tôi. Mong được giải đáp và chia sẻ.

Xét lại, ta đang ở vị trí nào?

1. Cúng dường, lợi dưỡng, lễ bái, ngâm tụng, học thức, tiếng tâm, uy tín »» cành lá.

2. Giới hạnh »» võ ngoài.

3. Thiền định »» võ trong.

4. Thần thông »» giác cây.

5. Thánh trí »» lõi cây.

Tôi viết ra đây là dựa vào lời Phật dạy được chép lại trong bài kinh ví dụ lõi cây (Pāli: Cùlasàropama sutta, Majjhima) và vài bài kinh khác (tất nhiên là tôi đọc bằng Việt ngữ) cùng với khoảng thời gian có sự quan sát trải nghiệm của chính bản thân, chứ không phải tự tôi bịa đặt ra điều này. Bài kinh này khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. Thật sự tôi tự hỏi khả năng của mình như thế nào?. Mình có xứng đáng với những điều mình nhận hay không?. Mình có khả năng đạt được điều cần thiết trong sự tu tập hay không? Hay là bao nhiêu sự cố gắng chỉ an phận ở số 1 hoặc số 2 (thẩm chí là không trọn vẹn hoặc không được). Đây không phải là tự ti hay không có quyết tâm mà tôi đang nhìn vào sự thật khả năng của chính bản thân tôi.

Thay vì xuất gia mà chỉ đạt được mức độ cành lá hoặc võ cây mà không có cơ hội để thâm nhập sâu vào cốt lõi của giáo pháp rồi sống quãng đời trong chùa an phận với điều này hoặc hoàn tục trở về chìm đắm trong sắc/thinh/hương/vị/xúc giống như người chưa từng xuất. Có nên hay không?, trước tiên hãy sống làm một người cư sĩ đúng nghĩa rồi mới thực hiện những điều "có phạm hạnh" hơn. Thà chậm mà chắc. Giống như chủ nhân của website BuddhaSasana một vị cư sĩ mà tôi được biết và học theo.

Nói về bản thân thì tôi không đủ trí nhớ để học những lý thuyết suông và tôi không có năng khiếu hay sở thích để thực hiện những nghi thức một cách máy móc không hiểu lý sự. Tôi chỉ có chút ít sức lực và thời gian để mong cầu gặp được người thầy có tâm huyết và kinh nghiệm tuệ quán nhằm có thể chia sẻ cho tôi những nguyên lý đúng đắn để tôi minh sát chính thân tâm này nhằm tự thanh lọc nội tâm. Đây là tâm nguyện của tôi trong đời này và cũng có thể là những đời sau.

Nếu luân hồi con phải trải
Nguyện con được ba điều sau:
Thứ nhất, sanh được thân người
Thứ hai, gặp chánh pháp
Thứ ba, có sự thực tập chánh pháp.

Đối với tôi thì thầy tu khác, thầy tụng khác, thầy giảng sư khác và giáo sư tiến sư tiến sĩ cũng khác. Những người có bằng cấp Pāli, cử nhân Phật học, tiến sĩ - giáo sư Phật học có khiến họ ly tham sân si không? Có giác ngộ giải thoát không? Có thể về phần thô thì có thể giảm nhưng về phân vi tế thì không chắc (nói thẳng thắn ra là không thể). Thời Phật làm gì có việc học nhiều như thế, phải không?. Đức Phật chỉ dạy về khổ và cách đoạn diệt cái khổ đó.
Cái gì khiến con khổ thì con phải thấy và biết nó bằng cách nắm rõ nguyên lý ta dạy, xong chọn pháp hành phù hợp để đoạn diệt nó và đây là pháp hành phù hợp với con. Ta sẽ dạy, con hãy chú tâm lắng nghe ... chỉ như vậy thôi! Nghe xong, nếu đã hiểu thì hãy tìm đến gốc cây, những nơi trống trải hay thích hợp để hành thiền. Không cần những thứ tiểu thừa, đại thừa hay dư thừa gì cả. Tất cả điều là Anattā, Aniccā và Dukkha con hãy hiểu và tự con chứng nghiệm ba điều này bằng sự tu tập.  Đừng bám víu vào bất cứ điều gì đó là điều con phải thực tập. Đây là những lời tôi nghĩ Đức Phật sẽ nói với tôi nếu tôi có duyên gặp được Ngài. Tuy nhiên, có thực hiện được hay không điều do sự cố gắng của tôi bởi vì nó còn bị nghiệp hay Ba-la-mật chi phối.

Khi nghe thuyết pháp thì tôi thường có khuynh hướng nghe các vị thiền sư chia sẻ pháp nhiều hơn nghe các vị giảng sư hay tiến sĩ. Và một điều nữa là tôi rất ít khi nghe tụng kinh. Khi không hiểu được nghĩa từ hay ý kinh thì nghe và tụng kinh chẳng có lợi ích gì ngoài sự định tâm tạm thời hay làm oai trước tứ chúng. Tôi chỉ suy ngẫm và quan sát thân tâm khi đã đọc những bài kinh mà mình hiểu nghĩa lý. Tôi không quá chấp vào ngôn ngữ hay dân tộc. Anattā (vô ngã). Chẳng có ai cả và chẳng có cái gì là ta, chẳng có cái gì của ta. Chẳng có Hòa/Huyền/Hạnh, chẳng có người Khmer, người Thái hay người Kinh. Tất cả chỉ là tứ đại, ngũ uẩn hay mười hai nhân duyên.

Câu "dân tộc và đạo pháp" nghe rất hay nhưng không khéo những tín ngưỡng của dân tộc sẽ khiến cho việc thực hành đạo pháp chẳng ra gì. Đối với người Khmer (tục đế), theo tôi nghĩ Ngài thiền sư Khippapañño Kim Triệu là một tắm gương sáng về đạo hạnh chúng ta phải xem và học tập theo. Về pháp học chúng ta không cần học nhiều như Ngài Khippapañño bởi vì chúng ta không thuận duyên như Ngài. Chúng ta chỉ cần học những gì cần thiết để thực tập đúng đắn mà thôi! Không cần những thứ dư thừa.

Những lý thuyết và học thức nhờ vào việc học mà không có sự thực tập bài bản theo đúng lộ trình thì làm sao có thể yểm ly hay đoạn diệt tham dục, sân hận, hồn trầm, trạo hối và sự hoài nghi. Chính năm triền cái này là điều ngăn chặn và chê khuất khiến chúng sanh vô minh mãi mãi không nhìn thấy được sự thật hay phát sanh thánh trí giác ngộ giải thoát.

Bản thân tôi còn y nguyên năm triền cái, lúc tăng lúc giảm vì không có sự thực tập đúng đắn. Không có hành trì đúng đắn, nghiêm túc, nhiệt tâm TỨ NIỆM XỨ. Đó là do nghiệp bất thiện của quá khứ nặng hơn thiện nghiệp bây giờ. Chưa đủ duyên gặp hoặc hiểu pháp hành thích hợp.

Thế nào là Ehipassiko?: Trở về mà thấy. Opanayiko?: Thấy trên thực tại như cái đang là (không có định nghĩa, khái niệm, lý trí theo tục đế). Sanditthiko?: Thấy ngay lập tức. Akaliko?: Không qua thời gian?. Nhiều người cứ nói thời mạt pháp và biện nhiều lý do khác để tự lừa mình đi trên con đường mà chỉ mang lại lợi dưỡng, cung kính hay những phước báo tái sanh nhân thiên hoàn toàn không mang đến sự giác ngộ giải thoát.

Ai đó, hãy trả lời giúp tôi những câu hỏi ở đầu bài viết. Và quan điểm của người về những điều tôi nêu ra ở đây! Tôi có đầy đủ lý do để đặt ra câu hỏi đó. Bởi vì tôi đã chứng kiến nhiều vị xuất đã cao hạ nhưng ngoài hình tướng hay học thức suông thì CHẲNG CÓ GÌ XỨNG ĐÁNG ĐỂ GỌI LÀ MỘT BẬC PHẠM HẠNH SA MÔN ĐỆ TỬ ĐỨC PHẬT CẢ.

Có một câu kệ trong bài sấm giảng Hỡi quê nhà của Ngài Thanh Sĩ tôi nhớ:

Hỡi quê nhà gần xa lớn nhỏ!
Kẻ Trời đông còn nhớ hay chăng?
Xin đừng đội lốt nhà tăng,
Gạt người mến Phật để làm lợi tư...

Ở chùa lâu năm và tu lâu năm nó khác nhau hoàn toàn. Tu theo ý tôi ở đây là thiền là thấy ra sự thật chân đế là sự văng bỏ những thứ dư thừa không bám víu vào bất cứ điều gì.

Thật ra, tôi không trách họ mà tôi thầm thương xót cho họ và chính tôi. Chúng ta, điều những kẻ đáng thương chứ không có ai là đáng ghét hay đáng trách cả.

Xin kết thúc bài này bằng năm câu:
Kiến hòa đồng giải, xin cùng hiểu.
Vô minh tạo tác viết ra đây.
Chớ trách, chớ khinh, nhớ vô ngã.
Vị tha góp ý, khai pháp nhãn.
Cùng nhau nhìn nhận, bớt khổ đau.

Thật ra này tôi xuất gia không theo nguyện vọng của tôi vì nơi này không có tu tập pháp hành Tứ niệm xứ. Nơi đây xuất gia chỉ mang tính truyền thống dân tộc hay xuất gia trả hiếu... Ít có ai có được sự tu tập Tuệ quán. Đó là lý do tôi viết những điều trên!

*


Ngày 19/4 - 10:09

Người làm phước phải nhớ rằng: Mọi thứ ở đời do duyên mà có, có rồi phải mất . Hôm nay, có điều kiện thì mình hãy làm phước lỡ mai này không có rồi sao mà làm. Bởi vì mọi thứ do duyên. Và dầu chúng ta có làm bao nhiêu phước chúng ta có được sung sướng cỡ nào đi nữa thì tất thảy những cái sung sướng hạnh phúc ấy có rồi phải mất. Nó do duyên thiện hôm nay mà có, nhưng nó có rồi sẽ mất . Sống trong nhận thức như vậy thì người Phật tử làm phước công đức nó hoàn mãn. Đời sau sanh ra cả vật chất lẫn tinh thần đều hoàn hảo. Nếu không hiểu điều này thì mình chỉ có đời sống sung túc về vật chất nhưng về tinh thần thì rất nghèo nàn, vẫn đầy phiền não sự tham muốn.

*

Ngày 30/3 - 13:26


- Chỉ có bậc giác ngộ mới có thể thấu hiểu và thông cảm cho kẻ phàm phu.

- Chỉ có Cha Mẹ mới thật sự quan tâm và thương yêu chúng ta nhưng sự thương yêu ấy mang nặng Ái kiết sử (Ái kiết sử là một trong những điều khiến cuộc sống này khổ đau, là nhân của sự tái sanh luân hồi không ngừng nghỉ).

- Các bậc Cha Mẹ luôn mong muốn con cái hạnh phúc.  Vậy xin hỏi hạnh phúc thật sự là gì? Xin hãy thông hiểu điều này để không có sự mong muốn khiến bậc Cha Mẹ lẫn con cái đau khổ.

- Phận làm con phải biết trả ân Cha Mẹ. Vậy sự trả ân thiết thực nhất là khuyên Cha Mẹ tin vào luật nhân quả, tránh xa điều ác, xuyên làm các việc lành, giữ tâm ý trong sạch.
Có thể chúng ta không thể cung phụng vật chất nhưng chúng ta có thể trả ân Cha Mẹ bằng cách trên và chính bản thân chúng ta cũng sống như những điều chúng ta khuyên Cha Mẹ.

- Chúng ta có thể nghèo nhưng tuyệt đối chúng ta không được tạo thêm ác nghiệp. Những người giàu có mà họ làm những điều ác mà họ vẫn giàu đó là do phước đời trước nhưng những đời sau họ sẽ là những chúng sanh chịu đau khổ.

- Chúng ta phải biết thương yêu chúng sanh vì mỗi loài đều có cuộc sống riêng, điều tham sống sợ chết.

- Khi nghèo chúng ta không thể làm phước bằng tiền bạc vật chất nhưng chúng ta có thể làm phước bằng cách nhẫn nhịn, tuỳ hỉ đều đáng tuỳ hỉ, giữ giới, Samadhi, sống cuộc sống không hại người, không hại vật.

- Đừng quá bám víu và xem tiền bạc là quan trọng nó không phải là điều khiến cho đời sống hạnh phúc. Bám víu vào tiền bạc càng khiến cuộc sống của chúng ta đau khổ hơn, tình nghĩa sẽ rạng nứt vì tiền bạc và sự phân chia trách nhiệm.

- Tiền bạc vật chất không thể đem theo chỉ có tội phước mới có thể đem theo. Cuộc sống hiện tại và tương lai có hạnh phúc hay không điều do tội phước quyết định chứ không phải tiền bạc. Rất nhiều tỷ phú vẫn đau khổ, rất nhiều tỷ phú đã tự sát. Lý do chính là không biết vừa lòng với những thứ đang có. Không nhận ra bản chất chân thật của chính mình là thế nào! 

- Tội phước là do hành động của chúng ta hiện tại. Chứ không phải sự cầu nguyện hay sự ban ân của bất cứ ai.

- Khi chúng ta cảm thấy cuộc sống này không công bằng thì chúng ta hãy nghĩ đến những điều này:
+ Hãy xã bỏ tính vị kỷ.
+ Hãy xem những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.
+ Mỗi người điều có cuộc sống riêng. An nhàn hay cực khổ điều do nhân quả - nghiệp báo.
+ Có sự không công bằng là do chúng ta luôn so sánh. Vậy chúng ta hãy tạm ngừng so sánh và làm những việc chúng ta nên làm.
+ Đừng phân chia trách nhiệm. Mỗi việc làm chúng ta đang làm tuy không có lương nhưng chắc chắn có phước báo (nếu điều đang làm là đúng đắn).

- Khi những điều chúng ta làm còn mang tính vỉ kỷ thì điều ấy dù tốt lành đến mức nào đi nữa thì chúng ta vẫn cảm thấy khổ đau khi bất toại nguyện và tăng trưởng bản ngã khi như ý.

- Chúng ta không thể làm vừa lòng bất cứ ai khi chính chúng ta còn chưa hài lòng với chính mình.

- Khi chúng ta thấu hiểu bản thân mình thì chúng ta không còn quan trọng chuyện có ai hiểu mình hay không.

- Khi chúng ta thấy ra vô ngã (không có ta, không có của ta, không phải là ta) dù chỉ là hiểu bằng lý trí và tín căn chứ chưa tuệ tri bằng thiền tuệ nhưng chúng ta đã có cuộc sống tĩnh lặng hơn rất nhiều người.

- Đừng mong đợi chính mình hoặc người khác phải làm những điều thuận theo ý mình vì khi có điều không như ý thì chắc chắn chúng ta sẽ khổ.

- Càng hy vọng thì càng khổ đau khi gặp thất bại. HY VỌNG ĐI ĐÔI VỚI TUYỆT VỌNG.

- Khổ hay hạnh phúc điều là nhân gây nên phiền não. Quan trọng là Tâm tĩnh lặng thấy ra thực tánh các pháp.

- Đừng để những lời nói (hành động, sự mong muốn) của người khác làm thay đổi cuộc đời của chúng ta vì mỗi người điều có một bài học giác ngộ khác nhau.

- Đừng sống cả cuộc đời này chỉ để thực hiện sự mong muốn của người khác. Chúng ta có quyền được sống được tự do và không có quyền được trách bất cứ ai.

Chất lượng cuộc sống này đối với riêng người viết đó là sự tĩnh lặng nội tâm. Ngoài ra những điều khác không khiến người viết quá bận tâm và không đáng để phấn đấu để đạt được.

Hãy sống như một người đỗ rác chứ không nên sống như một người lượm rác.

Hãy quan sát rồi buông bỏ những điều khiến nội tâm hỗn loạn.

Hãy thực tập sống với sự buông bỏ - không bám víu vào bất cứ điều gì.

Hãy thực tập - không ai sanh ra mà làm được ngay.

ƯỚC NGUYỆN CHO TẤT CẢ ĐIỀU ĐẠT ĐƯỢC SỰ TĨNH LẶNG, SỰ TIẾN HÓA TRONG HÀNH TRÌNH TÂM LINH.

*

Ngày 26/3 - 16:19


Đừng chứng minh cho người khác thấy mình hoàn hảo mà hãy sống thật tự nhiên.

Đừng so sánh với bất kỳ ai vì trình độ căn cơ mỗi người khác nhau.

Không cần người khác công nhận, không cần đố kỵ với bất cứ ai, bởi vì mỗi người là bài học của riêng mình.

Thú vị nhất là khám phá ra chính mình.

Như cây cam chỉ sống trọn vẹn với chính nó không cần những cây xung quanh công nhận và nó chẳng hề đố kỵ ai, nó hạnh phúc vì nó sống trọn vẹn như nó là.

Khi trở về trọn vẹn tỉnh thức với thực tại thân tâm sẽ phát hiện điều kỳ diệu bên trong mà mọi lời khen chê bên ngoài không còn ý nghĩa gì cả.

Vì vậy đức Phật dạy: “Như núi đá không bị gió lay, bậc trí không động trước những lời bình phẩm khen chê”.

Im lặng, quan sát và tuệ tri.


*

Dòng thời gian 2019 


Ngày 25/3/2019 - 21:36


Cảm nghĩ hôm nay, ngày mai sẽ khác!

Trong cuộc sống thường ngày, tôi rất ít quan tâm lo lắng những chuyện vô ích. Tôi ít tham gia vào những cuộc nói chuyện tranh luận mang tính thời sự. Nhưng chuyện phải tu hành thế nào khiến tôi luôn tư duy. Thực ra nói "Tu hành" cho nó mang tính tôn giáo thôi. Chứ những lời Đức Phật dạy không phải là tôn giáo. Những lời của Đức Phật hoàn toàn vô ngã giúp cho cuộc sống nhân thiên hài hòa hơn, cân bằng hơn, bớt đi những phiền não, bớt đi sự mong muốn, bớt đi những chấp trước, bớt đi những ảo tưởng mà hãy sống thật, nhìn thấy như thật tất cả các pháp như nó đang là. Những lời Phật dạy không phân biệt giai cấp, giàu nghèo, già trẻ, giới tính, tôn giáo, tín ngưỡng, quốc gia hay dân tộc. Những ai có đủ duyên và có chánh kiến điều có thể sống theo lời dạy của Đức Phật dù là tại gia hay xuất gia, dù là Phật tử hay ngoại đạo nếu biết sống thuận duyên tuỳ pháp vô ngã vị tha không tạo ra bản ngã ảo tưởng thì điều là đang hành Chánh đạo giải thoát.

Đối với riêng tôi thì xuất gia hay tu hành không phải để được người khác tôn trọng, không vì sự cúng dường, cũng không phải vì phước báo. Dù là tại gia hay xuất gia thì việc tu hành đối với tôi là để thấu hiểu chính bản thân tôi, khi tự thấu hiểu chính mình thì tôi sẽ dễ dàng có sự thông cảm với mọi người, khi có sự thông cảm sự thấu hiểu thì tôi mới có sự thương yêu trọn vẹn không thiên vị và cũng không bám chấp vào tình cảm. Khi hiểu được bản thân tôi sẽ không bám chấp vào nó nữa vì tôi biết nó là vô ngã, có vậy tham sân si mới thuyên giảm. Việc tu hành nếu không tuệ tri ra tam tướng vô ngã, vô thường, khổ thì không có lợi ích gì cho sự giải thoát. Khi sống đời sống xuất gia tôi rất khao khát được hướng dẫn thiền Tứ niệm xứ nhưng do không đủ nhân duyên nên tôi không gặp được minh sư trược tiếp hướng dẫn hành thiền. Nhưng tôi không buồn phiền gì lắm, tôi vẫn chấp nhận điều tôi đang có và cố gắng tuỳ thuận, cố gắng thích nghi. Có vẻ tôi không thích nghi tốt lắm, một lát sau sẽ nói đến điều này.

Tôi không cố gắng bắt chước để giống một ai đó vì mỗi người có một căn cơ khác nhau, một bài học giác ngộ khác nhau. Mỗi người điều có một tiến trình ngũ uẩn khác nhau nên cái biết cái thấy cũng khác nhau, không thể bắt chước theo nhau được. Chúng ta chỉ tuân theo một nguyên lý vô ngã để pháp hành.

 Nhập gia tùy tục. Cố gắng nhưng không thành?

Chỉ vì một lý do không quan trọng đối với chuyện giác ngộ cuộc đời - giải thoát trong cuộc sống mà tôi có ý định từ bỏ cuộc sống xuất gia. (...) Đối với mọi người, lý do này không có gì to tác cả vì việc này quá dễ quá bình thường. Nhưng đối với một kẻ trí nhớ kém bẩm sinh và thân mang nghiệp bệnh như tôi thì nó là cả một vấn đề nan giải. Chính bản thân tôi cũng thấy rằng tôi không có khả năng để thực hiện điều này vì tâm lý của tôi thật sự có vấn đề. Cuộc sống này khó ai hiểu và thông cảm điều này, ngay cả gia đình cũng vậy!.

Cái trở ngại đó là Chanting Pāḷi.

Thực ra không học thuộc kinh Pāli không trở ngại gì cho việc tu tập, tuy nhiên có trở ngại cho sinh hoạt tứ chúng, nhất là thời Phật tử tại gia lẫn xuất gia không am hiểu giáo lý lẫn pháp hành Phật giáo như ngày nay.
Đối với tôi khi nhận sự lễ bái cúng dường của tín thí mà chỉ tụng vài bài kinh thì không xứng đáng. Cái quan trọng là sự hành đạo, mình có sống đúng phạm hạnh, có giới đức trí tuệ hay không mới quan trọng. Mình có hướng dẫn tín thí sống đúng đạo, tránh ác làm lành giữ giới hành thiền có một cuộc sống an vui trong thực tại mới xứng đáng nhận sự lễ bái cúng dường. Nhưng đa phần tín thí chỉ an phận với vài câu kinh rồi lấy làm hoan hỉ.

Đối với riêng tôi thì thật sự tôi không tâm đắc lắm với việc tụng kinh mặc dù nhiều lần tôi đã cố gắng học tụng kinh nhưng thật sự tôi không có hứng thú và hơi lực để tụng, ai tiếp xúc với tôi mới biết; nói chuyện tôi đã ít nói và nói rất nhẹ nhàng nói gì việc ca hát hay tụng kinh. Khi tôi biết đến đạo tôi thường đọc kinh (đương nhiên là đọc bằng ngôn ngữ phổ thông) và tư duy suy nghiệm từ chính thân tâm và thấy ra bài học. Tôi thường dành thời gian để nghe thuyết pháp và hành thiền nhiều hơn. Tôi rất ít khi tụng kinh và ít khi đến chùa (đi chùa đúng cách, đúng lúc, đúng chỗ, gặp đúng người thì sẽ rất tốt). Đối với tôi sự cúng dường cao thượng nhất, thiết thực nhất và mang lại lợi lạc cho bản thân trong hiện tại chính là sự hành trì pháp chứ không phải ăn chay, tụng kinh hay niệm Phật.

Mọi người có thể tụng thật nhiều kinh nhưng không hiểu không sống đúng lời kinh hay lời Phật dạy thì chẳng có ý nghĩa gì cả. Đó chỉ là vẻ bề ngoài để che mắt thiên hạ, chỉ làm hài lòng những người không am hiểu sâu về giáo pháp, không am hiểu về Tứ thánh đế hay Bát chánh đạo. Một tí, tôi sẽ trích dẫn hai câu Pháp Cú cho mọi người cùng đọc và tự suy ngẫm.

Buổi ban đầu, lúc tôi tiếp xúc sống cuộc sống với Chùa chuyền lần đầu tiên thì tôi đã có cơ hội thực hiện học công việc tôi yêu thích đó là Y sĩ phước thiện và thực hiện trường chay nhưng vì gia đình tôi đã từ bỏ nó với sự lưu luyến. Tôi đến với Phật giáo Nguyên thủy nhưng vì vài trở ngại và lúc đó chưa biết nhiều về giáo lý Thēravāda nên tôi đã hoàn tục vì còn mang nặng tư tưởng giáo lý Mahayana (Bắc tông).

 Bước sang một ngã khác.

Sau khi hoàn tục tôi có duyên tiếp xúc với tạng kinh Pāḷi/Nikaya và được nghe nhiều vị Thiền sư nổi tiếng trong và ngoài nước thuyết giảng nên tín tâm của tôi đối với Đức Phật, đối với giáo lý nguyên thủy Theravāda ngày càng tăng trưởng. Tôi nuôi dưỡng tâm tu hành và mong ngày tìm được minh sư hay nơi tu học để tôi có thể thực hiện đúng những lời dạy của Đức Phật dành cho người xuất gia. Tôi đã liên hệ được với hai thiền sư nổi tiếng về pháp học lẫn pháp hành và hai vị điều gọi tôi đến nơi các ngài để học đạo.

Lại một lần nữa tôi có duyên đi một con đường đúng đắn hơn trước, đó là được sự hỗ trợ của vài người giúp tôi thực hiện ước nguyện hướng đến con đường Tuệ quán (Vipassanā) nhưng vì gia đình vì truyền thống dân tộc nên tôi đã cắt đứt nhân duyên ấy.  Thật ra là do ái kiết sử lôi kéo đúng hơn là vì gia đình vì dân tộc.

Tôi quyết định xuất gia một lần nữa dưới mái chùa dân tộc. Đây là lần thứ hai. Dù biết trước khả năng và cuộc sống của tôi có thích nghi được việc học kinh tụng và chữ viết dân tộc hay không! Nhưng tôi vẫn quyết định thử một lần nữa, xem mình có duyên hay không dù biết trước nếu tôi không làm được thì gia đình sẽ thất vọng và mọi người sẽ chê trách. Nhưng nếu thật sự không có duyên thì tôi cứ xem điều tôi làm lần này là gieo duyên cho kiếp sau sẽ có một chủng tử như thị để tiếp tục thực hiện điều tôi cần làm. Lời khen chê của mọi người không quyết định được cuộc sống của tôi. Vì sự khen chê đa phần chỉ dựa vào bề ngoài chứ ít ai biết được nội tâm thế nào. Vì thế đừng quá bận tâm về lời nói ý nghĩ của người khác.

Có bài kinh nói vào thời Phật Thích Ca Mâu Ni có một vị Sa môn trí nhớ rất kém (có thể giống như tôi bây giờ) học hoài mà không nhớ cái gì cả. Vị Sa môn đó hỏi Đức Phật hạng người như con thì tu hành như thế nào? Đức Phật mới dạy cho người đó là đừng so sánh bất cứ điều gì cả.
Nếu có so sánh thì sẽ tạo ra cái ngã.
Nếu con muốn hoàn hảo chắc chắn sẽ khổ. Và một điều nữa Đức Phật dạy hạng người này hãy giữ chánh niệm ba nơi thân miệng ý, luôn luôn nhắc tâm phải giữ chánh niệm tỉnh giác. 
Tôi rất tâm đắc lời dạy này vì rất hợp với căn cơ duyên nghiệp của tôi.

Tôi sẽ không hy vọng mình sẽ đạt được điều gì. Vì cầu bất đắc khổ.
Có nhiều người hỏi tôi đi tu là để được cái gì. Và tôi hỏi vì sao họ đi tu? Nhiều người nói họ đi là vì truyền thống tu trả hiếu hay tu để được học hành chữ viết văn hóa dân tộc.
Mục đích xuất gia và làm gì khi đã xuất gia là một điều cực kỳ quan trọng. Dù mọi người xuất gia với bất cứ lý do gì? Vì gia đình hay dân tộc.vv nhưng không phải vì tín tâm vào Tam bảo, không vì sự giác ngộ giải thoát thì cuộc sống xuất gia của mọi người sẽ không duy trì được lâu, chắc chắn sẽ có ngày mọi người hoàn tục khi nghĩ rằng mọi người đã hoàn thành mục tiêu đưa ra như tu trả hiếu, tu để học chữ viết văn hóa của dân tộc.vv nhưng như vậy thì rất đáng tiếc. Đối với đời thì rất tốt nhưng đối với đạo đó là một điều đáng tiếc.

Đi tu được đã là một điều khó. Tu đúng đường để đắc đạo quả là còn khó hơn gấp vạn lần.
Làm người mới biết thành người khó, 
Học đạo mới biết đắc đạo nan”.
Trong bao nhiêu người xuất gia đầu tròn áo vuông, hỏi có mấy người đi tu vì muốn được giải thoát? Hỏi có mấy người hiểu được và sống được với lời dạy của Đức Phật? Nhất là ở vùng đất này, điều đó thật vô cùng hiếm!.

 Đối với tôi đi tu là vì tín tâm của tôi đối với Tam bảo, tu đi tu không hẳn vì dân tộc hay gia đình. Mặc dù hiện tại nơi tôi xuất gia là vì gia đình vì truyền thống dân tộc không có cơ hội tiếp xúc với những Bậc Thầy chuyên về pháp học và pháp hành Tứ niệm xứ. Vì sao tôi lại muốn hành Tứ niệm xứ vì tinh thần của Tứ niệm xứ là chánh niệm, buông xả, yểm ly, tách rời. Chúng ta dính mắc vào mọi thứ và khi thất niệm đó là lý do chúng ta đau khổ. Chỉ có Tứ niệm xứ là con đường độc nhất giúp chúng ta giác ngộ giải thoát.

Đức Phật nói tất cả điều vô ngã. Nếu đi tu để đạt được cái gì là sở đắc. Ai sở đắc? Chính là bản ngã sở đắc. Đạo Phật là vô ngã. Không có cái tôi thì làm gì có cái gì là tôi hay của tôi, tất cả điều là ảo tưởng do Ngũ uẩn tạo, khổ vui điều là do chấp vào Ngũ uẩn. Tôi không nói tôi đang sống đúng hoàn toàn với lời Phật dạy nhưng tôi sẽ cố gắng sống đúng theo Bát chánh đạo đến mức có thể, đúng căn cơ trình độ và điều kiện tôi có. Tôi sẽ không cố gắng trong sự ức chế thân tâm. Dù cuộc sống của tôi ngắn ngủi thì tôi vẫn không sợ, được sống và làm những điều đúng đắn dù chỉ một ngày tôi tôi cũng an tâm.

Ai sống một trăm năm / Ác giới không thiền định / Không bằng sống một ngày / Có giới có thiền định.

Nếu thật sự tôi không có duyên sống cuộc đời xuất gia, không có duyên hành trì đầy đủ giáo pháp dành cho bật xuất gia thì tôi nguyện là một cư sĩ thực hiện sống theo lời dạy của Đức Phật.

Vì sự tĩnh lặng nội tâm là cao thượng. Chứ không phải hình tướng hay trình độ học thức.

Cha Mẹ luôn mong muốn con của mình hạnh phúc.

Hy vọng gia đình sẽ hiểu cho tôi. Đối với tôi sự hạnh phúc cao thượng là chính bản thân tôi và cả gia đình thực hành theo lời dạy của Đức Phật.
Dù là tại gia hay xuất gia ta vẫn có thể sống theo lời dạy của Đức Phật.
Tất cả điều do Ba la mật quyết định.
Xuất gia mà không sống đúng phạm hạnh thì chỉ có thiếu nợ đàn na tín thí mà thôi!.

Đừng vội trách khi chưa hiểu, khi chưa thấy hai mặt của sự thật.
Nhiều người nghĩ tôi bệnh không gánh vác nổi công việc ngoài đời mới đi tu. Điều này cũng đúng một khía cạnh nào đó thôi! Tôi đi tu không có ý định bỏ khổ, tìm lạc bỏ cuộc sống vất vả ngoài đời để vào chùa hưởng phước vì tu theo Phật không phải là bỏ khổ, tìm lạc. Tôi sẵn sàng hoàn tục khi tự thấy mình không xứng đáng với phạm hạnh bậc xuất gia. Đức Phật nói rằng: Khổ và Lạc chính là căn bản của phiền não! Tâm ham muốn lạc là tâm tham và tâm sợ khổ chính là sân nó đều là phiền não là tâm si mê. Tâm vương hay tâm sở đều vô ngã, không được bám víu. Tôi tu cũng không phải để đạt được cái gì!  Và một điều nữa tu không phải là sửa. Nếu tu là sửa thì mình đã từ “cái ta này” biến thành “cái ta khác”. Nếu tu là không sửa thì cứ để nguyên trạng tham sân si như vậy hay sao? Xin thưa, sửa hay không sửa đều trật. Đạo Phật quan trọng ở Cái Thấy! ĐẾN ĐỂ MÀ THẤY. Khi đã Thấy và biết rồi thì không bám víu vào bất cứ điều gì cả. Có Cái Thấy mới có thái độ và hành vi đúng đắn, có cái Thấy này mới nói đến giác ngộ và giải thoát. Cái Thấy này chính là cái Thấy sự thật chân đế. Nhớ là cái Thấy thực tánh chân đế chứ không phải cái Thấy tục đế khái niệm định nghĩa. Không có Cái Thấy chân đế để tuệ tri ra khổ/vô thường/vô ngã thì tu kiểu gì cũng trệch hướng hoặc rơi vào phước báu hữu lậu tái sanh vào cõi nhân thiên.

Tụng trăm ngàn bài kinh, ăn chay cả đời, niệm Phật lạy Phật hằng ngày mà không Thấy không biết thì chẳng có lợi ích gì ngoài việc được cung kính cúng dường hưởng phước báo dục giới.

Tôi không muốn cả đời này sống như một con vẹt.

Tôi xin trích lại hai Dhammapada.

[[[ 19. Nếu người nói nhiều kinh,
Không hành trì, phóng dật;
Như kẻ chăn bò người,
Không phần Sa môn hạnh.
20. Dầu nói ít kinh điển,
Nhưng hành pháp, tùy pháp,
Từ bỏ tham, sân, si,
Tĩnh giác, tâm giải thoát,
Không chấp thủ hai đời,
Dự phần Sa môn hạnh.
Kinh Pháp Cú (Dhammapada) Phẩm Song Yếu, tạng kinh Pāli/Tiểu bộ kinh/Nikaya. ]]]

Năm giới của người cư sĩ tại gia còn chưa giữ được trọn vẹn, lúc nhớ lúc quên. Vậy giới của người xuất gia nhiều hơn và vi tế hơn nên nếu năm giới còn quên làm sao nhớ hết hàng trăm giới của người xuất gia được.

Thử hỏi chỉ mười giới thôi có giữ trọn vẹn hay chưa?. Hay thọ giới chỉ là hình thức bên ngoài?.

Đừng vội xuất gia vì sự yêu thích hình tướng người xuất gia, vì sự lễ bái cúng dường hay vì truyền thống dân tộc mà hãy xem mình có thật sự xứng đáng và đủ khả năng giữ giới sống đúng phạm hạnh Sadi/Tuỳ khưu hay chưa?. Khi đã xuất gia rồi tôi mới thật sự quan tâm đến điều này. Và tôi chắc chắn sẽ suy nghĩ và xem xét lại bản thân có xứng đáng hay chưa!.

Đó là chỉ nói về giới. Còn về phương pháp hay nguyên lý tu hành Định - tuệ nữa thì sao?. Mình có cơ hội tiếp cận và thực tập đúng đắn không.

Tu hành mà không có giới hạnh và trí tuệ thì rất thiếu nợ đàn na tín thí, bất hiếu với Cha Mẹ.

Có hai điều tôi luôn tâm đắc, đó là: im lặng như chánh pháp, và thực tập nói những lời đúng sự thật hướng đến yểm ly và đoạn diệt tham sân si, thắng trí, chứng ngộ Níp-bàn.

Giới hành thứ tư trong giới luật Phật giáo đó là không nói dối, không nói những lời vô ích, không nói lời chia rẽ, không nói đâm thọc, không nói lời độc ác. Tóm lại là phải thực hành Chánh ngữ.

Thay vì trách và cười khinh, nói tôi ngụy biện thì hãy cho tôi lời khuyên, sự sách tấn và kinh nghiệm. Tôi rất cần và tôn trọng bất cứ lời chia sẻ nào vào lúc này.

Mọi người điều có một bài học giác ngộ riêng!.

*


 Tất cả nội dung ở đây chỉ là tư tưởng trôi qua dòng thời gian không đáng để bận tâm. 


☸ Chuyện thực sự muốn hay không muốn, chưa chắc sẽ xảy ra theo ý mình. Cho nên dù muốn dù không cũng không còn quan trọng nữa. Nếu hiện tại gặp phải vấn đề gì, bản thân có thể làm được thì sẽ làm, thích hay không thích, muốn hay không muốn cũng không quan trọng nữa. Vì những cái thực sự muốn cũng giống cái mình không muốn, đều phải dựa theo nhân quả nghiệp báo của bản thân mà thành. Tác ý không đủ hoặc các điều kiện chưa hội tụ đủ thì thích hay không, muốn hay không cũng không thành tựu.

Chia sẻ:

Thạch Thuận Hòa


Tự biết mình là một sự khám phá thú vị hơn bất kỳ kiếm tìm nào khác. Không hiểu biết chính mình thì dù kiến thức có rộng đến đâu cũng vô ích thôi, huống chi bỏ phí thời gian đuổi theo những vọng tưởng để rồi tuyệt vọng.