Việc đi chùa... học hỏi giáo pháp

Việc đi chùa...học hỏi giáo lý


Vài lời chia sẻ đến vài bạn...

Nhiều người nói tôi lên mạng "sống ảo" — "nói chuyện Phật pháp". Họ nói, tôi có thường xuyên đến Chùa hay không? Mà bày đặt lên mạng nói chuyện Phật pháp.
Xin thưa rằng, lúc trước khi tôi ở nhà. Tuy nhà tôi rất gần Chùa, nhưng tôi rất ít đến Chùa. Họ hỏi vì sao? Tôi trả lời: "Tôi vào chùa một là phụ công quả. Hai là vào để nghe thuyết pháp và được hướng dẫn hành Thiền. Nhưng tiếc thay, tôi không đủ sức khoẻ để phụ công quả...(Chùa cũng không quá nhiều việc để làm) Và Chùa cũng không có thuyết pháp và hướng dẫn hành Thiền nên tôi không đi Chùa. Đó là hai lý do. Ngoài ra, còn nhiều lý do khác nữa nhưng tôi không tiện nói ra ở đây...".





Thưa các bạn!
Không phải đến Chùa mới gặp Phật.
Khi chúng sống đúng những lời Phật dạy là chúng ta đã gặp Phật.
Người nào thực hành Bát chánh đạo tức người đó đã gặp Phật.
Còn ai đến Chùa lạy tượng Phật mỗi ngày, mỗi tháng nhưng không làm theo lời dạy của Phật, không thực hành Bát chánh đạo thì người đó không bao giờ gặp Phật. Ngay cả những vị Sư cũng vậy.

Chúng ta hãy cùng xem lời Phật dạy được ghi lại trong tạng kinh Pāḷi - Nikaya được dịch Việt sau đây. Xin lỗi, vì tôi không biết chữ Khmer nên tôi không thể trích ngôn ngữ Khmer được. Còn ai cần bản Pāḷi hay tiếng Anh thì tôi sẵn sàng chia sẻ đến các bạn.

[...Tỳ kheo Vakkali - đang đau đớn bởi cơn bệnh ở giai đoạn cuối cùng - đảnh lễ Đức Phật :

- Đã từ lâu, bạch Thế Tôn, con muốn đến để được thấy Thế Tôn. Nhưng thân con không đủ sức mạnh để được đến thấy Thế Tôn.

- Thôi vừa rồi, này Vakkali, có gì đáng thấy đối với cái thân hôi hám này.

 Này Vakkali, ai thấy pháp, người ấy thấy Ta. Ai thấy Ta, người ấy thấy pháp. Này vakkali, đang thấy pháp, là thấy Ta. Đang thấy Ta, là thấy pháp...]

Các bạn có thể xem đầy đủ trong kinh Tương Ưng Bộ Kinh 3. Tương Ưng Uẩn. Phẩm Trưởng
Lão. Phần Vakkali.

Các bạn à! Việc tôi đi Chùa hay không đó là do nơi tôi.
Thay vì mọi người đi Chùa lạy Phật thì tôi hy vọng chúng ta hãy cố gắng thực hành Bát chánh đạo.
Việc đi Chùa là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Khmer chúng ta. Nên đi thì tốt không đi thì cũng không sao... Quan trọng là chúng ta hiểu rõ Đạo Pháp. Còn đi Chùa nhiều nhưng không hiểu Đạo pháp thì không có lợi ích gì cho việc tu hành.
Đối với cư sĩ thì hãy giữ trọn năm giới. Và ngày thọ Bát quan trai trong tháng.

 Để gặp Phật hãy sống với tâm lành cao thượng.
Đừng khinh khi, chia rẽ nhau.
Trên là vài điều chia sẻ. Nói ít, nhưng hy vọng các bạn hiểu nhiều.

☑ Cập nhật bổ sung:

 Điều tôi nói ở trên không phải là nói mọi người không nên đi chùa mà điều tôi muốn trao đổi chính là chúng ta hãy đi chùa một cách đúng đắn.

Hiện nay mọi người vào chùa với nhiều nguyên nhân:

- Vào chùa để cầu xin tài lộc, danh tiếng, địa vị, sức khỏe.     --» dạng này thuộc về mê tín dị đoan, họ không biết gì về Giới Định Tuệ. Quy luật của tự nhiên và giáo lý nhà Phật là mọi việc phát sanh và hoại diệt điều do Nhân - duyên - quả. Đức Phật, Chư Thánh Tăng không bất kỳ ai có thể ban phước báo cho chúng ta. Chúng ta muốn có quả lành thì chúng ta phải gieo giống lành khi đủ duyên thì sẽ có quả lành, đó là hiển nhiên chứ chúng ta không thể cầu xin quả lành mà không gieo nhân lành. Vì thế cầu xin là không nên, cầu xin chỉ khiến chúng ta an tâm phần nào chứ thật ra không có bất cứ ai tự nhiên ban tặng cho chúng ta điều gì cả. Có nhân có quả. Không nhân không quả. Có nợ thì ắt phải trả.

- Vào chùa vì sự quen biết: hạng người này vào chùa chỉ để nói chuyện thiên hạ, nói chuyện vô ích gây ảnh hưởng lớn đến chốn Thiền môn tĩnh lặng. Việc này là tội nhiều hơn là được phước nên quý bạn lưu tâm.

- Vào chùa chỉ để hóng mát, chụp ảnh. Ăn bận đồ đẹp vào chùa chụp ảnh xong đăng lên mạng. Điều này chẳng hưởng được lợi ích cho bản thân đối với việc tiếp thu giáo lý, tu tập cả. Nhiều khi còn gây nhiều điều phản cảm.

- Vào chùa để công quả, lao tát: đây là hạng người chịu nhọc chịu khó biết quan tâm đến môi trường vệ sinh của ngôi chùa. Tuy nhiên họ rất ít khi chịu tìm hiểu giáo lý nên cũng không hưởng được gì từ giáo pháp. Chỉ hưởng được phước hữu lậu chứ không có lợi ích cho sự giác ngộ giải thoát.

- Vào chùa để làm phước: hạng này rất thích cúng dường trai tăng, Giúp đỡ người nghèo, xây chùa đúc tượng tuy nhiên không biết nhiều về giáo lý kinh điển nên việc làm cũng chỉ là mong muốn phước báu hữu lậu cho nên không có sự tu tập nên cuộc sống vẫn đau khổ khi xúc chạm việc đời thuận nghịch.

- Vào chùa để tụng kinh, lại Phật: hạng người này vào chùa vào những người rằm ngày lễ để thực hiện những nghi thức một cách máy móc, chứ chưa có sự thực hành giáo pháp một cách nghiêm túc đúng cơ bản. Cả đời vào chùa chỉ biết niệm Phật lạy Phật tụng kinh thì quá phí. Vì không được tiếp thu nghĩa lý và thực hành giáo pháp.

- Vào chùa để nguyên cứu giáo lý, hành thiền: hạng người này có sự thực hành giáo pháp vì có tìm hiểu và vấn đáp bậc thiện trí thức - Chư Tăng. Có cơ hội giác ngộ giải thoát nếu thực hành đúng nguyên lý.

Đi chùa đúng cách cũng có những lợi ích riêng, đáp ứng cho việc tu tập. Giúp chúng ta bỏ ác làm lành, giữ tâm thanh tịnh. Có niềm tin vào Tam bảo. Được thân cận Chư Tăng và bậc thiện hữu trí thức, cùng nhau học hỏi giáo lý, cùng nhau giữ gìn giới luật, bố thí và hành thiền. Biết được Chư Tăng thiếu và cần vật gì để dâng lên Chư Tăng một cách hợp pháp. Đó là chúng ta giữ gìn truyền thống tốt đẹp cho con cháu và ngoại đạo nhìn theo mà phát sanh lòng tin vào Tam bảo. Giúp phần hộ độ gìn giữ giáo pháp trường tồn.

Còn nếu chúng ta đi chùa chỉ vì cầu xin mê tín, không biết giáo lý, không biết giữ giới tu thiền thì rất khó để mang lại lợi ích cho tự thân, không khiến người khác phát sanh lòng tin mà còn bị chê trách. Trên là vài hạng người vào chùa với nhiều mục đích khác nhau và kết quả cũng khác nhau. Tự hỏi chúng ta thuộc hạng người nào.

Việc quan trọng là đi chùa để làm gì chứ không phải đi chùa nhiều hay ít. 

Thạch Thuận Hoà 

☸ Chuyện thực sự muốn hay không muốn, chưa chắc sẽ xảy ra theo ý mình. Cho nên dù muốn dù không cũng không còn quan trọng nữa. Nếu hiện tại gặp phải vấn đề gì, bản thân có thể làm được thì sẽ làm, thích hay không thích, muốn hay không muốn cũng không quan trọng nữa. Vì những cái thực sự muốn cũng giống cái mình không muốn, đều phải dựa theo nhân quả nghiệp báo của bản thân mà thành. Tác ý không đủ hoặc các điều kiện chưa hội tụ đủ thì thích hay không, muốn hay không cũng không thành tựu.

Chia sẻ:

Thạch Thuận Hòa


Tự biết mình là một sự khám phá thú vị hơn bất kỳ kiếm tìm nào khác. Không hiểu biết chính mình thì dù kiến thức có rộng đến đâu cũng vô ích thôi, huống chi bỏ phí thời gian đuổi theo những vọng tưởng để rồi tuyệt vọng.