Tu Phật: Ăn chay - Ăn mặn hay Tam tịnh nhục


Ăn chay mà không có thực tập Bát chánh đạo thì chính là đang gieo duyên tái sanh thành loài chúng sanh ăn thực vật trong tương lai.

Ăn mặn mà không thực hành Bát chánh đạo thì đang gieo duyên tái sanh thành loài chúng ta ăn thịt trong tương lai.

Ăn chay ăn mặn hay tu theo Phật? - ថាច់ធ្វឹនហ្វា
Ăn chay ăn mặn hay tu theo Phật? - ថាច់ធ្វឹនហ្វា

Rất nhiều người theo Đạo Phật tự hào nói rằng: "Tôi ăn chay trường, tôi ăn chay khi từ trong bụng Mẹ, hay thấy đồ mặn là muốn nôn thật là hôi thối..." và tự nhận rằng mình là mẫu Phật tử chân chánh luôn muốn người khác ăn chay như mình vì nghĩ rằng đó là tu hành.

Tư tưởng "khiếm khuyết" này xảy ra rất phổ biến tại Việt Nam đó là quan niệm rằng "ăn chay" chính là tu Phật. Với quan điểm ảnh hưởng bởi Phật giáo Đại thừa Trung Hoa (PG Trung Hoa ảnh hưởng bởi lệnh của vua Lương Võ Đế (502-536), các tư tưởng trong nước thời bấy giờ và Bà-la-môn Giáo...) rằng đạo Phật chủ trương ăn chay, cấm tuyệt đối việc ăn "mặn". Họ tự đắc với việc ăn chay và lấy việc này ra để so sánh rồi chỉ trích những người có phương pháp ăn khác, đây là một điều góp phần khiến nội bộ Phật giáo bị phân chia về tinh thần đoàn kết lẫn giáo lý căn bản. Chính việc này đã vô tình khiến cho bản ngã ảo tưởng của họ ngày càng lớn và kiến chấp, xong rơi vào giới cấm thủ vì chỉ "Chay miệng nhưng tâm ý chưa chay" và cũng gây chia rẽ Đạo Phật, bởi lẽ chỉ mới "ăn chay" mà bản ngã to lớn như thế thì đến khi "chứng đắc này kia" thì bản ngã càng to lớn thêm nhiêu nữa!.

Ở cuối bài tôi sẽ dẫn chứng một bài chánh kinh mang tên Amagandha (kinh Hôi thối) cho quý vị thấy rằng: Ăn chay hay ăn mặn không quyết định đến sự thanh tịnh hay giác ngộ giải thoát mà phải có sự tu tập cụ thể để đoạn trừ ác pháp, tăng trưởng thiện pháp, thanh lọc tâm.

Sự phân chia "Chay - Mặn" chỉ bắt đầu phát sinh từ khi các luận sư Bà-la-môn đời sau gia nhập vào Phật giáo. Nếu quý vị nào ai có một chút tìm hiểu về Bà-la-môn (hay Ấn độ giáo) thì đều biết rõ ăn chay vốn là truyền thống lâu đời của các Bà-la-môn giáo, chứ không phải của Đạo Phật. Không phải chỉ vào thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni không thôi, mà từ nhiều đời kiếp trước các Bà-la-môn cũng đã dựa vào việc ăn chay để chống phá Chư Phật như trong bài kinh Amagandha đã nói lên.

ĂN CHAY THEO TƯ TƯỞNG "KHUYẾT TẬT" - RẤT NHIỀU NGƯỜI ĐANG LÀM ĐIỀU NÀY!
VỚI TÂM TƯ Ô NHIỄM
DÙ ĂN CHAY CẢ ĐỜI
VẪN PHẢI CHỊU ĐAU KHỔ
VỚI TÂM ĐẦY Ô NHIỄM
DÙ NIỆM PHẬT VẠN KIẾP
KHÔNG THOÁT KHỎI LUÂN HỒI.

TRÁNH XA SỰ SÁT SANH
GIỮ GIỚI KHÔNG TRỘM CẮP
CHUNG THỦY KHÔNG TÀ DÂM
LUÔN NÓI LỜI CHÂN THẬT
MINH MẪN KHÔNG RƯỢU MEN
THỰC HÀNH HẠNH CƯ SĨ.

VỚI TÂM TƯ THANH TỊNH
THỌ DỤNG CÁC VẬT THỰC
KHÔNG KIẾN CHẤP, PHI PHÁP
THỰC HÀNH GIỚI ĐỊNH TUỆ
NHẤT ĐỊNH GẦN NÍP-BÀN.


Bản thân tôi đã từng đủ duyên ăn chay trong thời gian dài và nguyện đủ duyên để ăn chay suốt đời, thẩm chí đã từng trãi nghiệm việc ăn một ngày một lần hoặc hai lần. Nhưng không vì thế mà tôi lấy làm tự đắc hay so sánh với người khác vì tôi biết rõ việc ăn uống chỉ đáp cho nhu cầu "cần thiết" của cơ thể vật chất này, chứ không hề đáp ứng cho bản ngã; việc ăn uống đối với tôi là chuyện tuỳ duyên - nhưng phải hợp với thiện pháp theo thường giới mà Đức Thế Tôn đã truyền dạy.

Việc ăn uống như tôi đã chia sẻ, nó là để đáp ứng nhu cầu cần thiết của cơ thể vật chất. Chúng ta ăn uống phải hợp lượng và chất của thể trạng cần, không quá thừa cũng không quá thiếu, phải giữ ở mức cân bằng. Có như thế chúng ta mới đủ sức khỏe và sự tỉnh táo để hoạt động sinh hoạt cũng như tu tập.

Tôi đã từng khuyến khích gia đình nên dùng thực phẩm chay nhưng phần đông thành viên trong gia đình "không hợp - không đủ duyên (kinh tế và thể trạng)" đến với việc trường chay. Nhưng tôi không vì thế mà phiền não mà lấy làm điều to tát về chuyện không hợp đó, tất cả đều phải có đủ nhân duyên hay điều kiện cần thiết mới có thể thực hiện (sinh khởi). Và tôi đã khuyên người đứng bếp trong nhà rằng, nếu không có duyên trường chay thì chúng ta phải giữ giới; khi mua thực phẩm về chế biến để dùng trong gia đình hay như để Bát dâng đến chư Tăng thì hãy mua nhưng loại thịt đã sơ chế sẵn hoặc đã chết, cũng không thuê người giết hại con vật để dùng làm thực phẩm trong ăn uống, tuyệt đối trách xa sự tác ý giết hại chúng sanh làm thực phẩm. Thực phẩm mua theo cách này là chúng ta không sát sanh, là có thể thọ dụng được: không tác ý giết hại, không chứng kiến sự giết hại, không hoan hỉ với sự giết hại, chúng ta chỉ mua (không có sự trộm cắp) những thực phẩm không có sanh mạng (không phải chúng sanh, mà chỉ là nguyên chất từ Tứ đại: đất nước gió lửa) vì thế không phạm giới sát sanh, không được gọi là không có sự từ bi và cũng không là nguyên nhân chính khiến con vật bị giết. Đó là lời khuyên của tôi dành cho bản thân, gia đình cũng như những người không đủ duyên trường chay.

Từ bi là có lòng thương sót và tác ý giúp đỡ những chúng sanh còn sanh mạng (đang sống) khiến cho chúng sanh nhận sự bình an hay tu tập phát huy Trí tuệ chứ không phải từ bi đối với cái sát vô thức (không còn sanh mạng thì không phải chúng sanh, chỉ là nguyên chất từ đất nước gió lửa tạo nên và khi hết duyên nó hoại diệt). PHẬT GIÁO ĐỘ SANH CHỨ KHÔNG ĐỘ TỬ - AI LÔI PHẬT GIÁO VÀO ĐỘ TỬ THÌ NGƯỜI ĐÓ ĐANG PHỈ BÁNG TAM BẢO VÀ PHÁ HOẠI ĐẠO PHẬT BẰNG TÀ KIẾN. Chúng ta phải hiểu giáo lý, phải có trí tuệ thấy đâu là tục đế hay đâu là chân đế chứ, đâu là nhu cầu hợp pháp và đâu là tu hành chứ không nên mù quán kiến chấp, chấp nhận những điều vì nó được người xưa truyền lại, được nhiều người thực hiện, hay nó hợp với logic,... hợp với lý luận của chúng ta rồi chúng ta lấy đó ra phê phán chỉ trích người khác. Trong việc ăn uống hay học - hành chúng ta phải nghĩ đến điều này.


 Không phải ai cũng
Đủ duyên để ăn chay
Với những người ăn mặn
Vẫn có cách thế này

Ta ăn những con vật 
Đã bị chết sẵn rồi 
Không phải do mình giết 
Không nhờ giết, vậy thôi 

Mỗi ngày đi ra chợ
Tuỳ duyên để mua hàng
Thấy đồ chết, ăn chết 
Những vật sống không màng 

Khi bắt đầu dùng bữa
Mình biết ơn chúng sinh 
Và hồi hướng cho chúng
Công đức tốt của mình 

Thành tâm mong rằng chúng
Có tái sinh tốt lành 
Và mình cũng thệ nguyện
Tu hành để tiến nhanh

Khi mình có thành tựu
Và giác ngộ được rồi
Mình sẽ cứu lại chúng
Vượt thoát khỏi luân hồi

Nhưng những hoạt động sống
Khó tránh được sát sinh
Từng bước chân, ngụm nước
Cũng đoạt mạng hữu tình

Nên thành tâm sám hối
Và quyết chí tu hành
Lấy đó làm động lực
Để giác ngộ thật nhanh

SỰ PHÊ PHÁN CHỈ TRÍCH KHÔNG ĐƯA ĐẾN SỰ THANH TỊNH VÀ TRÍ TUỆ, ĐÓ CHỈ LÀ PHIỀN NÃO - LÀ SỰ TẠO TÁC NÊN CÁI TA ẢO TƯỞNG GIEO NHÂN CHO ĐAU KHỔ VÀ SANH TỬ LUÂN HỒI.

Tôi luôn hoan nghênh và khuyến khích khi quý vị ăn chay, chay một cách tự nhiên. Tuy nhiên, đối với người mang tiếng là người tu hành tự nhận Phật tử thì miệng ăn chay mà tâm mặn (ô nhiễm) là điều nên nhìn nhận lại, tức là dù thân ăn chay nhưng tâm vẫn sân si giận hờn, vẫn tham muốn dục vọng, vẫn si mê tà tín, mong cầu vô lý... không có sự tu tập theo tinh thần Trung đạo (Bát chánh đạo » Tứ niệm xứ) thì ăn chay chỉ là hình thức bên ngoài mà thôi chứ chưa thật sự là tu hành.

Điều cần thiết duy nhất chỉ có tu tâm. Cho nên, muốn sống đời thảnh thơi, an lạc và hạnh phúc, không tự làm khổ mình và không gây khổ cho người, chúng ta phải biết tu tâm. Thực tập theo lời dạy của Đức Thế Tôn với sự truyền giáo của Chư Tăng Ni chân chánh.

Hãy đọc lời dạy của Đức Thế Tôn bằng tâm thành kính và chiêm nghiệm:

"Tâm dẫn đầu các pháp
Tâm làm chủ, tâm tạo
Nếu với tâm ô nhiễm
Nói lên hay hanh động
Khổ não bức theo sau
Như xe theo chân vật kéo"

"Tâm dẫn đầu các pháp
Tâm làm chủ, tâm tạo
Nếu với tâm thanh tịnh
Nói lên hay hành động
An lạc bức theo sau
Như bóng không rời hình" - Dhammapada (Kinh pháp cú Phẩm Song yếu: câu kệ số 1 & 2).

Ở trên bàn ăn là món chay hay mặn không quan trọng, điều quan trọng là món ăn đó có được tạo ra hợp pháp hay không? Có đúng chánh mạng, chánh nghiệp không? Và khi sử dụng món ăn quá vị ăn bằng tâm gì? Bằng chánh niệm, ăn gì biết nấy, không khen chê lựa chọn, ăn chỉ để duy trì sắc thân mạng căn hay ăn để vui đùa, lựa chọn thích không thích, ngon không ngon. Chỉ trong một buổi ăn thôi, nếu biết thì quý vị có thể tu. Còn không biết thì tham ái vô minh diễn ra mà quý vị không hề hay biết.

DÙ ĂN CHAY UỐNG CHAY
RỒI VÍ NHƯ CHÚNG TA LÀ CON RUỘT CỦA ĐỨC THẾ TÔN ĐI NỮA NHƯNG TÂM CHÚNG TA CÒN ĐẦY Ô NHIỄM THÌ CHÚNG VẪN KHỔ VẪN CHỊU LUÂN HỒI. Chỉ có dấn thân chuyên tâm tu hành mới đủ duyên thoát khổ.

Người muốn tu, ở hoàn cảnh nào cũng tu được với điều kiện là nương tựa đúng theo giáo pháp chân chánh, nếu ai đó vẫn muốn giữ cho mình những ý niệm trong sáng, một tấm lòng chân thật, thân thiện và nhẫn nại - từ bi, thì sự tu tập tâm chính là món quà thành kính nhất dâng lên Phật, mà không thể một lễ vật nào sánh bằng.

Tôi thường nghe Thiền sư Khippapañño cũng như Chư Tăng Ni Theravāda nguyện rằng: "...Con xin cúng dường Phật Pháp Tăng bằng sự hành đạo..." vì vậy giới cư sĩ cũng phải hành như vậy. Hay câu tôi đã từng thường đọc trước khi thực hiện các nghi thức công phu theo truyền thống Bắc tông đó là: "...Nam Mô Giới Hương  - Định Hương - Huệ Hương - Giải Thoát Hương - Giải Thoát Tri Kiến Hương..." như vậy Hương Giới - Định - Tuệ, tức là Bát Chánh đạo đáng cho chúng ta nương tựa thực hành theo hơn là việc ăn chay theo tư tưởng khiếm khuyết. Đó là tu theo Phật.

Trong hai hạng người,
Người ăn chay niệm Phật, và
Người hành trì GIỚI - ĐỊNH - TUỆ thì người nào thật sự xứng đáng được cung kính, cúng dường và nương tựa theo? Chắc chắn là người hành trì GIỚI - ĐỊNH - TUỆ. Người ăn chay vẫn được tôn trọng nhưng chưa xứng đáng để được cúng dường và nương tựa. Còn xa lắm, lâu lắm, khó lắm, và hiếm lắm!

Sự sánh trên ví các Bà-la-môn với đệ tử Đức Phật.

TRÁNH XA SỰ SÁT SANH
GIỮ GIỚI KHÔNG TRỘM CẮP
CHUNG THỦY KHÔNG TÀ DÂM
LUÔN NÓI LỜI CHÂN THẬT
MINH MẪN KHÔNG RƯỢU MEN
THỰC HÀNH HẠNH CƯ SĨ.


Chúng ta phải có chánh kiến, chỉ có Chánh kiến dẫn đầu (bao gồm Bát chánh đạo) mới giúp chúng ta hướng đến giác ngộ giải thoát (Níp-bàn). Tu tâm là chánh niệm biết rõ những gì đang diễn ra. Sống biết làm điều tốt việc tốt cho đời, tu theo đúng theo Trung đạo. Biết trang nghiêm giới hạnh đó là đồ trang sức đẹp nhất. Biết tu tập Tuệ Quán đó là sống trong ngôi nhà an toàn nhất. Biết cung kính Mẹ Cha cùng bậc đáng kính đó là hành động đẹp. Không gây oán hận với ai đó là một tình yêu đẹp. Thấy ra sự thật (chân đế) là lối sống giải thoát. Có như vậy chúng ta mới ung dung sống trong đời. CƯ TRẦN BẤT NHIỄM KHÔNG Ô NHỤC.

Phước chính là bố thí, buông bỏ tâm Tham / Phước là thanh tịnh tâm hồi hướng / Phước là giữ gìn giới luật theo trí tuệ / Phước là hành thiền tu Chỉ - Quán / Phước là cung kính, phục vụ bậc xứng đáng / Phước là tuỳ hỉ, tâm nghe pháp thuyết / Phước là trách nhiệm, thuyết pháp diệu mầu / Phước là chánh kiến, không tà kiến si mê / Phước là tu tập yểm ly hướng Níp bàn. (Xem tiếp ở đây)

•  Một người chuyên tu tâm với những việc như: giữ gìn giới luật, bố thí, cúng dường,... hành thiền Chỉ - Quán và các công đức thiện lành với tâm hoan hỷ và không mong cầu Quả. Người này đáng được tán thán và nương theo.

•  Một người chuyên ăn chay, niệm Phật nhưng luôn chứa đựng tâm oán giận, bỏn sẻn, kiêu ngạo, tự mãn... Tà tín si mê, hướng ngoại tầm cầu. Ăn chay nhưng hình thức của các món chay lại là mặn. Dối mình, dối Phật. Rõ thấy những việc làm này không có lợi ích gì cho việc tu tập tâm tính, không phải là người Phật tử chân chánh.

Bài chia sẻ thật tâm này tôi không có ý đồ phản bác việc ăn chay, mà tôi mong ngoài việc miệng ăn chay ra quý vị phải biết tự chế không tự mãn kiêu mạn, phải biết cư sử thân thiện - không phản bác người ăn mặn, cùng nhau đoàn kết học hỏi giáo lý tu tập theo Trung đạo có như thế Đạo Phật mới hưng thịnh và bản thân quý vị mong hưởng được sự lợi lạc giải thoát nhờ vào sự tu tập theo giáo pháp - Buddha Sāsana.

Tôi có vài điều chia sẻ cho quý vị khi tho dụng các món ăn uống rằng: việc ăn uống là một trong những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống; con người phải ăn mới sống được và phải nhớ "ăn để sống, sống để tu hành, không làm điều ác, xuyên làm điều thiện, thanh lọc nội tâm, chứ không phải ăn để hưởng thụ, khen chê". Quý vị không nên quan niệm ăn uống như là một pháp môn tu hành, mà chỉ nên biết rằng tu tập thế nào để đoạn tận điều ác, tăng trưởng điều thiện, tu tập thế nào để phát triển định tuệ...để đem lại an lạc, phá tan phiền não, chấm dứt mọi nguyên nhân khổ đau. Về vấn đề thọ dụng trong ăn uống, người tại gia cần biết những nguyên tắc sau đây:

 - Ăn uống tiết độ. Tức ít muốn biết đủ, ăn uống có chừng mực vừa phải, không dùng quá nhiều thời gian tâm tư hay cái bao tử để lo cái ăn. Phải dành thời gian nhiều cho việc học tập giáo lý, giữ gìn giới luật, tu thiền định & tuệ (Samatha & Vipassanā). 
- Ăn những thức ăn an toàn cho cơ thể. Tức là ăn uống những thức ăn thức uống hợp với thể trạng, không ăn những thức ăn khó tiêu, những thức ăn có nhiều độc tố, không hợp vệ sinh, những thức ăn gây bệnh. 
- Ăn những thức ăn được làm ra từ nghề nghiệp chân chánh, không vi phạm giới luật người tu. Tức món ăn không do sát sanh, nói dối, trộm cắp, hay do hành động bất chánh mà có được. 
- Ăn uống trong chánh niệm. Tức là phải quan sát tâm của mình khi ăn uống, xem khi ăn uống có sự tham đắm thích thú hay chê bai lựa chọn không? Xem mình đang ăn uống bằng tâm gì? Tham sân si hay ăn chỉ để trị đói, duy trì sắc thân mạng căn.

Nếu người tại gia áp dụng được bốn điều này khi thọ dụng thực phẩm thì thật là tốt lành, không vi phạm giới hay gây đau khổ cho mình cho người mà còn đạt được lợi ích lớn nữa.


Để kết thúc bài viết, như đã nói ở đầu bài tôi sẽ giới thiệu đến cho quý vị kinh Hôi thối “Amagandha” thuộc tạng Pāḷi chánh gốc do Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt. Trong bài kinh này, các Bà-la-môn từ nhiều kiếp trước đã biết dựa chuyện "ăn mặn" của Đạo Phật để mỉa mai chống phá phỉ báng, và để đáp lại những hành động phê phán việc ăn "mặn" của các Ba-la-môn. Đức Phật quá khứ Kassapa đã phải rống tiếng sư tử để dạy cho họ biết thế nào là “ĂN ĐỒ HÔI THỐI, ĂN THỊT KHÔNG PHẢI THỐI”.

Tôi hy vọng quý vị Phật tử ăn chay đọc kỹ bài kinh ‘Amagandha’ dưới đây để không còn tiếp tục dựa vào truyền thống ăn chay của riêng mình để đả kích chống phá Tam Bảo, và gây phân hóa chia rẽ Phật giáo thành Phật giáo chay – Phật giáo mặn. Đây là tội “PHÁ HÒA HỢP TĂNG”, một trong năm đại nghịch tội nếu phạm phải thì phải chịu khổ đau vô cùng trong đời này cũng như nhiều đời sau.

Nếu có tìm hiểu sâu thì trong Kinh Luật Pāḷi còn ghi lại nhiều dẫn chứng khác về việc Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng đã rống tiếng sư tử minh định rõ về vấn đề này, sau đây là bài KINH HÔI THỐI.

(Amagandha) (Sn 42)
Tiểu Bộ Sutta, Kinh Tập – Sutta Nipata, Chương 2 – Tiểu Phẩm

Bà-la-môn:

239. Các bậc Thiện chơn chánh,
Ăn hạt giống cây thuốc,
Ăn đậu đũa, đậu rừng,
Ăn lá, ăn rễ cây,
Ăn trái các dây leo,
Nhận được thật đúng pháp.
Vị ấy không nói láo,
Vì các dục thúc đẩy.

240. Ôi ngài Kassapa,
Ai ăn các món ăn,
Do người khác bố thí,
Khéo làm, khéo chưng dọn,
Trong sạch và thù thắng;
Ăn lúa gạo thơm ngon.
Ai ăn uống như vậy
Là ăn thịt hôi thối.

241. Này bà con Phạm thiên,
Chính Ngài tuyên bố rằng:
Ta không ăn đồ thối,
Ðể nuôi sống thân Ta.
Nhưng Ngài ăn món ăn
Bằng lúa gạo thơm ngon,
ĂN THỊT CÁC LOÀI CHIM,
Nấu ăn thật khéo léo
Ta hỏi Kassapa:
Ý nghĩa sự kiện này,
Ngài định nghĩa thế nào,
Là ăn đồ hôi thối?

ÐỨC PHẬT KASSAPA:

242. Sát sanh và hành hình,
Ðả thương và bắt trói,
Trộm cắp và nói láo,
Man trá và lừa đảo,
Giả bộ kẻ học thức,
Ði lại với vợ người,
ÐÂY LÀ ĐỒ ĂN THỐI,
ĂN THỊT KHÔNG PHẢI THỐI.

243. Ở đời, các hạng người,
Không chế ngự lòng dục,
Ðam mê các vị ngon,
Liên hệ đến bất tịnh,
Theo chủ nghĩa hư vô,
Bất chánh khó hướng dẫn,
ÐÂY LÀ ĂN ĐỒ THỐI,
ĂN THỊT KHÔNG PHẢI THỐI.

244. Ai thô bạo, dã man,
Sau lưng nói gièm pha,
Phản bạn không từ bi,
Lại cống cao ngạo mạn,
Tánh không có bố thí,
Không cho ai vật gì,
ÐÂY LÀ ĂN ĐỒ THỐI,
ĂN THỊT KHÔNG PHẢI THỐI,

245. Phẫn nộ và kiêu mạn,
Cứng đầu và chống đối
Man trá và tật đố,
Nói vô ích, huênh hoang,
Kiêu mạn và quá mạn,
Thân mật với kẻ ác,
ÐÂY LÀ ĂN ĐỒ THỐI,
ĂN THỊT KHÔNG PHẢI THỐI,

246. Ác giới, nợ không trả,
Làm người điểm chỉ viên,
Làm những nghề dối trá,
Ở đây, kẻ giả vờ,
Ở đây người bần tiện,
Những người làm ác nghiệp,
ÐÂY LÀ ĂN ĐỒ THỐI,
ĂN THỊT KHÔNG PHẢI THỐI.

247. Ở đời đối hữu tình,
Người không biết kiềm chế,
Lấy cướp sở hữu người,
Chú tâm làm hại người,
Ác giới và tàn nhẫn
Ác ngữ, thiếu lễ độ,
ÐÂY LÀ ĂN ĐỒ THỐI,
ĂN THỊT KHÔNG PHẢI THỐI,

248. Hạng tham ô, thù nghịch,
Tìm cách để giết hại,
Luôn luôn hướng về ác,
Sau chết sanh tối tăm,
Chúng sanh ấy rơi vào,
Ðịa ngục đầu xuống trước.
ÐÂY LÀ ĂN ĐỒ THỐI,
ĂN THỊT KHÔNG PHẢI THỐI,

249. Không phải do cá thịt,
Cùng các loại nhịn ăn,
Không phải do lõa thể,
Ðầu trọc và bện tóc,
Không do tro trét mình,
Mặc da thú khô cứng,
Không phải do săn sóc,
Nuôi dưỡng lửa tế tự,
Không do nhiều khổ hạnh,
Ðể được chứng bất tử,
Không bùa chú tế tự,
Các tế đàn thời tiết,
Làm con người trong sạch,
Nếu NGHI HOẶC chưa đoạn.

250. Do sống hộ trì căn,
Với các căn nhiếp phục,
Vững trú trên Chánh pháp,
Thích chân trực, hiền hòa,
Vượt khỏi các tham ái,
Ðoạn tận mọi khổ đau,
Bậc trí không nhiễm dính,
Ðiều được thấy, được nghe.

251. Nhiều lần, Thế Tôn thuyết,
Ý nghĩa lời dạy này,
Bậc bác học kệ chú,
Thâm hiểu ý nghĩa ấy.
Bậc ẩn sĩ nói lên,
Với những kệ tuyệt diệu,
Bậc không ăn đồ thối,
Ðộc lập, khó hướng dẫn.

252. Nghe xong những lời dạy,
Lời Thế Tôn khéo nói,
Chấm dứt ăn đồ thối,
Ðoạn tận mọi khổ đau,
Vị ấy đảnh lễ Phật,
Với tâm ý nhún nhường,
Thỉnh cầu được cho pháp,
Xuất gia tại nơi đây.

HT Thích Minh Châu dịch Việt - kết thúc phần trích Kinh Amagandha.

Hỡi bạn đạo gần xa lớn nhỏ
Người viết nói rồi, chớ giận chi
Ăn chay niệm Phật thì cứ làm đi...
Xin đừng chỉ trích, mê si dại khờ
Biết mình, tự nhắc mãi một điều
Nương về Phật pháp* mới thời được an.

*Phật pháp là những lời giáo huấn của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni hướng dẫn chúng sanh đến con đường Trung đạo giác ngộ Níp-bàn, đó là Tứ niệm xứ (Bát chánh đạo).

Với sự mong ước của tôi, xin quý vị hãy Truy cập internet trang google.com hay Youtube rồi tìm kiếm các từ khóa sau: kinh Nikāya, Tứ diệu đế, Bát chánh đạo, Tứ chánh cần, Tứ niệm xứ - Vipassanā hay Ba mươi phẩm trợ đạo - Mười pháp Ba la mật hoặc theo dõi các bài đăng tại Đạo Phật Buddha Sāsana. Xong rồi cứ theo đó mà tìm hiểu đối chiếu nhiều nguồn, thỉnh pháp chư Tăng Ni rồi cố gắng vừa ăn chay niệm Phật vừa tu theo Trung đạo theo truyền thống chư Phật cũng như Đức Thế Tôn - Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni.

Xin đừng oán hận. Hỷ xả cho người viết.

Lưu ý: Khi tôi viết bài này, chỉ hướng sự chia sẻ đến một vài cá nhân giới cư sĩ chứ không dám nói đến Chư Tăng Ni. Kính mong hoan hỉ.

Nam Mô Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

TTHថាច់ធ្វឹនហ្វា (Thiện Đăng Tâm Định), 2017



☸ Chuyện thực sự muốn hay không muốn, chưa chắc sẽ xảy ra theo ý mình. Cho nên dù muốn dù không cũng không còn quan trọng nữa. Nếu hiện tại gặp phải vấn đề gì, bản thân có thể làm được thì sẽ làm, thích hay không thích, muốn hay không muốn cũng không quan trọng nữa. Vì những cái thực sự muốn cũng giống cái mình không muốn, đều phải dựa theo nhân quả nghiệp báo của bản thân mà thành. Tác ý không đủ hoặc các điều kiện chưa hội tụ đủ thì thích hay không, muốn hay không cũng không thành tựu.

Chia sẻ:

Thạch Thuận Hòa


Tự biết mình là một sự khám phá thú vị hơn bất kỳ kiếm tìm nào khác. Không hiểu biết chính mình thì dù kiến thức có rộng đến đâu cũng vô ích thôi, huống chi bỏ phí thời gian đuổi theo những vọng tưởng để rồi tuyệt vọng.