Sống đời tự nhiên là Đạo...

Tổ đình Bửu Long - quét sân quét rác cõi lòng

Hiện tại, con chỉ có thể làm một điều, đó là im lặng... lắng nghe... và thấu hiểu... Con sẽ thực tập sống không chấp trước, không mong cầu và không bám víu. Hướng đến thấu hiểu và thấy rõ thế nào là khổ, vô thường, vô ngã bằng chính sự trải nghiệm của con.

"“Con hãy lo việc của Chúa, việc của con để Chúa lo”. Việc của Chúa chính là sống trọn vẹn với thực tại, còn việc của con là do pháp vận hành một cách vô ngã, thì sao con lại toan tính để chiếm pháp cho riêng mình được nhỉ!" - Sư Ông nói.

...vài lời trao đi... 


Nguyên nhân


Khi gặp những việc không như ý thì thái độ phản ứng của ta thường là sự khó chịu, lo lắng, hấp tấp và muốn mọi việc thuận theo ý muốn của ta. Phật gia có câu: "Cầu bất đắc khổ", có nghĩa là những gì chúng ta mong cầu (ước muốn) mà không trở thành hiện thực thì phản ứng của ta đau khổ, khó chịu đựng. Và dù cho ta có đạt được điều gì đó thì ta cũng lo lắng không yên vì sợ mất mát hư hoại.

Người phàm phu là vậy. Luôn đau khổ và lo lắng. Luôn muốn mọi sự phải theo ý mình để thoả mãn lòng ham muốn. Đây gọi là vô minh. Nói dễ hiểu là người ngu, người đáng thương, người không thấy ra sự thật trong quá trình vận hành tự nhiên của mọi việc trên đời!

"Đừng chấp trước bất cứ điều gì trên đời", vì bản chất của chúng là vô ngã (Anattā), vô thường (Aniccā), khổ (Dukkha). Nếu chúng ta chấp trước điều gì, cho nó nên là như vậy, phải như thế này, thế kia theo ý muốn của bản ngã thì ta đang gieo hạt giống dẫn đến sự đau khổ mà ta không hề hay biết.

Sư Ông có nói, Pháp luôn nói với chúng ta rằng: "Nó sẽ không như ý muốn của chúng ta đâu".

Đúng vậy! Có việc gì xảy ra luôn làm vừa lòng chúng ta? Bao nhiêu đau khổ có mặt bởi sự mong cầu, chấp trước và bám víu (chấp giữ), đây là biểu hiện của tâm tham lam và bất mãn - nguyên nhân chính là sự mê lầm ảo tưởng mà bản ngã tạo ra. Nếu chúng ta sống mà không có sự bám víu hay phản ứng lăng xăng, luôn đoán nhận mọi thứ đến đi bằng tâm rỗng lặng trong sáng thì ta sẽ cảm thấy nhẹ nhàng bình an hơn rất nhiều. Bạn hãy thử và sẽ cảm nhận được sự tuyệt vời. Cảm nhận thực tại, ở ngay đây và bây giờ, hành động sáng suốt và không mong cầu kết quả! 

Tất cả các việc trên đời xảy ra đều do nhân duyên phát sanh (các điều kiện tạo thành). Việc gì do nhân duyên sanh khởi thì tự nó diệt, ta không cần phải xen vào làm gì! Hãy nhớ tất cả các pháp hữu vi, do duyên sanh dẫn đến sự ưa thích và sầu khổ, đều vô thường và vô ngã, tức là, luôn thay đổi, không phải là ta, không phải của ta, không phải tự ngã của ta. Điều cần thiết là, ta hãy minh sát (thấy biết sáng suốt) việc đang diễn ra nơi thân và tâm (danh - sắc) và thấy sự thật từ nó - tỉnh thức ngay thực tại, nơi thâm tâm này. Từ sự minh sát không có bản ngã ảo tưởng xen vào thì nhất định sẽ phát sanh trí tuệ nhận ra chân đế (sự thật rốt ráo), thấy rõ sự sinh khởi và họai diệt của danh sắc, thấy ra khổ, vô thường, vô ngã - từ đó sẽ có thái độ và hành vi đúng đắn, không có đau khổ do bản ngã gây nên khi gặp phải cảnh duyên, tức là, không bị chi phối bởi mọi việc đến đi trong tâm trí và ngoại cảnh.


Bám víu


Đừng bám víu, chấp trước và mong cầu vào: Lời hứa, tình yêu, tài sản, người thân, công việc,... vì chắc rằng ta sẽ khổ khi sự việc không như ý mình. Mỗi lần thất bại, gặp nghịch cảnh bất như ý đều là một cơ hội giúp chúng ta thấy ra sự thật quý giá từ đó.

Ví dụ: Bạn tin vào lời hứa của một ai đó. Bạn hy vọng họ sẽ thực hiện, nhưng đến khi họ thất hứa thì bạn rất buồn đúng không? Phải, bạn buồn. Vì thế tôi khuyên bạn đừng bám víu, chấp trước và mong cầu, thì bạn sẽ không buồn. Bạn sẽ bình thản đón nhận mọi việc.

Đau khổ hay bất toại nguyện không hẳn là kẻ thù, đó có thể là một vị thầy đến để chỉ dạy ta, nếu ta nhận ra thì ngay đó có sự giác ngộ & giải thoát!

Biết đủ


Hãy nhận biết những gì ta đang làm. Nó là thiện hay tội lỗi. Nếu là thiện thì cứ làm. Nếu là tội lỗi thì không nên làm. Vì nhân quả là có thật, chỉ việc nó đến sớm hoặc muộn thôi. Nếu không có khả năng tạo ra cuộc sống ổn định bằng những nghề nghiệp lương thiện thì tuyệt đối xin đừng làm điều tội lỗi với ý muốn cuộc sống an nhàn đầy đủ vật chất. Làm việc chỉ để nuôi thân này, đủ ăn và có dùng trong khi hữu sự là được. Ai giàu thì mặc kệ họ. Nghèo nhưng đủ ăn đủ dùng, gia đình hòa thuận hạnh phúc là được. Nếu vì ham mê cuộc sống giàu sang mà làm việc tội lỗi, gieo nhân bất thiện thì chúng ta sẽ chịu quả khổ trong tương lai là chắc chắn. Nếu nghèo thì nghèo một kiếp thôi. Hãy gieo nhân lành, làm việc thiện để nhận quả lành trong ngày vị lai.

Nay vui, đời sau vui
Ai làm các việc lành
Các đời sau điều vui.
Nay buồn, đời sau buồn
Ai hành nghiệp bất thiện
Các đời chịu khổ đau! 


Lo lắng


Nếu chúng ta bệnh thì bệnh nó là một điều bình thường trong cái bất thường, điều có quy luật tác động để bệnh nó xảy ra. Ta hãy quan sát, bệnh là vô thường, thay đổi. Bệnh chỉ đau. Đau là vô thường. Vô thường là đến rồi sẽ đi. Sanh rồi sẽ diệt. Đau rồi sẽ hết đau. Bệnh rồi sẽ hết bệnh. Bệnh là do thức ăn (những gì chúng ta ăn, tư tưởng, xúc chạm), thời tiết, tâm trạng và nghiệp nhân quả (hậu quả của các hành động). Kiếp trước gieo nhân sai lầm thì kiếp này nhận quả, ngày trước ăn bậy thì hôm nay đau bụng. Quá công bằng. Khi trả quả xong thì hết bệnh. Chúng ta phải vui vì điều này. Dù chúng ta bệnh chết cũng phải vui. Vui vì chúng ta đã trả nợ nhân - quả. Kiếp sau chúng ta sẽ khỏe mạnh, ít bệnh và an vui hơn kiếp này (ngày trước và ngày nay).

Hãy tin Phật, và sự nương tựa vào Đạo. Tôi là người mang nhiều bệnh nhưng tôi không sợ bệnh đang mang, không sợ chết. "Chết là điều tất yếu, sẽ xảy đến cho mỗi người chúng ta, không ai tránh khỏi. Hãy sống an vui, tử tế, có ý nghĩa trong những ngày ta còn sống trên cõi đời nầy". Chúng ta học cách sống an tịnh, sống lặng lẽ cảm nhận cuộc sống. Và học nhiều điều từ cuộc sống này. Giác ngộ - giải thoát hay không là ở nơi thân tâm, và cuộc sống đầy khổ này. Khổ đau hay Niết bàn là do thái độ và nhận thức của tâm này. Hãy có hành vi và nhận thức thiện lành thì chúng ta sẽ giảm bớt khổ đau.

Khi có bệnh thì biết mình đang bệnh. Đau thì thì biết mình đang đau. Cứ cảm nhận trọn vẹn cơn đau đó. Đừng khởi ý nghĩ đừng bệnh, đừng đau. Đừng lo lắng và đau khổ vì lo lắng và đau khổ là liều thuốc độc khiến bệnh và cơn đau diễn ra lâu hơn, nặng hơn. Chỉ khiến sự việc khổ đau hơn. Khi bệnh hãy giữ tâm trạng bình thường. Quán sát mọi thứ một cách khách quan - không kiểm soát; hoặc tập trung vào hơi thở - thở vô biết thở vô, thở ra biết thở ra. Thở ngắn hay thở dài mình điều cảm nhận được trọn vẹn hơi thở đó. Có thể niệm «Buddho, Buddhaṃ - Dhammaṃ - Sanghaṃ, SammasamBuddho» chúng ta chọn một ân Đức rồi niệm để tâm được yên tĩnh hơn. Hãy tập làm quen với cơn đau để khi đến lúc sắp chết thì chúng ta không lo sợ mà an nhiên tự tại ra đi nhẹ nhàng.

Bệnh không khổ mà chỉ đau
Khổ là vì lo lắng
Khổ là vì khó chịu
Khổ là vì mong cầu
Khổ là vì chấp trước
Khổ là vì bám víu sai lầm
Thân đau thôi đừng để cho tâm bất an, đau khổ.

Hãy thấy,
Hãy biết,
Hãy sống,
Với tâm bình an, tĩnh lặng.

Hãy hít thở và tận hưởng kiếp sống này. Thân người khó được. Pháp Phật khó gặp. Thực hành đúng chánh pháp lại càng khó hơn.
Nay được thân người và gặp Phật pháp thì hãy hoan hỉ và tin vào và thực hành như thế.

Hãy ít nói. Ít làm những điều vô ích.

Như từ đống hoa có thể làm nên nhiều tràng hoa; như vậy, từ nơi thân người có thể tạo nên nhiều việc thiện. Được thân người tuy vẫn có đau khổ nhưng nó là phước lành so với thân súc sanh. Một con sư tử, con cá sấu, các loài ăn thịt...vv nó có nhận thức được việc làm của nó không? Nó có biết nó làm ác không? Vì không nhận thức được việc làm của nó là ác nên nó đã vô tư làm ác và vui vẻ với cái ác đó. Vậy đến khi nào nó mới được thân người đây. Nên thế, chúng ta hãy trân trọng thân người này, dùng thân này làm những điều thiện, tránh xa những điều ác và thực hành theo giáo pháp. Có như vậy, mới có sự bình an thật sự. Ngoài nhận thức hành vi đúng đắn của bản thân thì không có điều gì khiến mình bình an thật sự cả.

Lời Phật dạy:
"Như từ một đống hoa,
Nhiều tràng hoa được làm.
Cũng vậy, thân sanh tử,
Làm được nhiều việc lành". - Dhammapada (kinh Pháp cú).


Thấy ra 


1. Hãy biết sự thật về khổ... Khổ đế. -> sanh, già, bệnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, cầu bất đắc khổ, ái biệt ly khổ, ghét phải gặp là khổ, chấp vào ngũ uẩn là khổ.

2. Nguyên nhân của khổ... Tập đế. -> vô minh - hành - thức - danh sắc - lục nhập - Xúc - Thọ - Tham Ái - Thủ - Hữu.- Sanh - Sầu, bi, khổ, ưu, não - Bệnh - Chết.

3. Con đường đoạn diệt khổ... Đạo đế. Minh - Trí tuệ. Bát chánh đạo.
- Giới: Chánh mạng, chánh ngữ, Chánh nghiệp.
- Định: Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh Định.
- Tuệ: Chánh tri kiến, Chánh tư duy. 

4. Sự chấm dứt khổ. Niết bàn. Diệt đế. -> Vô tham, Vô sân, Vô si - Vô lậu.

Xin thận trọng với những điều vừa đọc, nhận thức có thể thay đổi theo thời gian.
Vài lời này chỉ mang tính chất tham khảo. Và tự răn nhắc bản thân. Bước đầu cho hành trình buông bỏ phiền não trở về với thực tại. 

"Nếu không nói được lời gì tốt lành. Tốt nhất im lặng, lắng nghe và thấu hiểu".



☸ Chuyện thực sự muốn hay không muốn, chưa chắc sẽ xảy ra theo ý mình. Cho nên dù muốn dù không cũng không còn quan trọng nữa. Nếu hiện tại gặp phải vấn đề gì, bản thân có thể làm được thì sẽ làm, thích hay không thích, muốn hay không muốn cũng không quan trọng nữa. Vì những cái thực sự muốn cũng giống cái mình không muốn, đều phải dựa theo nhân quả nghiệp báo của bản thân mà thành. Tác ý không đủ hoặc các điều kiện chưa hội tụ đủ thì thích hay không, muốn hay không cũng không thành tựu.

Chia sẻ:

Thạch Thuận Hòa


Tự biết mình là một sự khám phá thú vị hơn bất kỳ kiếm tìm nào khác. Không hiểu biết chính mình thì dù kiến thức có rộng đến đâu cũng vô ích thôi, huống chi bỏ phí thời gian đuổi theo những vọng tưởng để rồi tuyệt vọng.